TP Bắc Giang: Nỗ lực "phủ sóng" thanh toán
27/11/2023 | Tác giả: Khôi Nguyên Lượt xem: 230
Hướng đến xây dựng xã hội số, đô thị thông minh, TP Bắc Giang tích cực tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) trong các lĩnh vực của đời sống. Từ những khó khăn ban đầu, đến nay hình thức thanh toán số đã dần trở thành thói quen của người dân TP.
Đi vào đời sống
Nhận được tin nhắn thông báo đóng tiền nước, chị Đào Thị Phú (SN 1971) ở tổ dân phố số 2, phường Ngô Quyền cầm điện thoại, đăng nhập tài khoản ngân hàng để thanh toán. Việc này đã trở thành thói quen của chị trong gần một năm nay vì sự an toàn, thuận tiện. Chị Phú cho biết: “Sau khi được ngành chức năng hướng dẫn, tôi thấy dịch vụ này có nhiều lợi ích. Tôi có thể thanh toán bất cứ lúc nào, ở đâu mà không cần đến điểm nộp tiền, đỡ tốn thời gian, công sức đi lại”.
Công ty cổ phần Nước sạch Bắc Giang hiện đang cung cấp nước cho các phường, xã trên địa bàn TP với hơn 56 nghìn khách hàng. Theo ông Trần Đăng Điều, Giám đốc Công ty, thực hiện công tác chuyển đổi số, doanh nghiệp (DN) đã tích cực tuyên truyền, vận động khách hàng sử dụng nước sạch chuyển sang hình thức TTKDTM. Công ty đã ký hợp đồng liên kết với một số ngân hàng lớn trên địa bàn tỉnh, các tổ chức trung gian thanh toán.
Theo đó, khách hàng có nhiều lựa chọn để thanh toán tiền nước không dùng tiền mặt như: Chuyển khoản ngân hàng, trực tiếp tại cây ATM, trừ tiền tự động, qua ví điện tử... Mọi giao dịch TTKDTM của khách hàng đều được miễn phí. Hiện nay, hơn 61% khách hàng trên địa bàn TP thanh toán tiền nước theo hình thức không dùng tiền mặt với số tiền trung bình hằng tháng hơn 12 tỷ đồng (tăng 7% so với cùng kỳ năm 2022).
Tại TP, việc thanh toán dịch vụ công trực tuyến tiếp tục được các đơn vị chú trọng, đặc biệt trong lĩnh vực y tế, giáo dục, an sinh xã hội, thu ngân sách nhà nước. Hiện người dân, DN có thể thanh toán lệ phí, học phí không dùng tiền mặt; sử dụng tài khoản thanh toán nộp phí, lệ phí, biên bản xử phạt vi phạm giao thông trên Cổng Dịch vụ công quốc gia... Đến nay, tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính thanh toán trên Cổng Dịch vụ công quốc gia của TP đạt 67,97%.
Từ các siêu thị lớn, hệ thống bán lẻ, cửa hàng đến chợ dân sinh, việc quét mã QR, chuyển khoản khi mua bán diễn ra thường xuyên. Chị Nguyễn Thị Thơm, kinh doanh hoa quả tại chợ Kế, phường Dĩnh Kế chia sẻ: “Hiện cứ 10 người mua hàng của tôi thì có đến 6-7 người thanh toán bằng hình thức chuyển khoản”. Siêu thị GO! Bắc Giang đứng chân trên địa bàn xã Tân Tiến. Nơi đây thu hút đông đảo người dân TP và các địa bàn lân cận đến mua sắm, vui chơi.
Theo bà Dương Vân Nga, Giám đốc Siêu thị GO! Bắc Giang, đơn vị đã bố trí 22 điểm quẹt thẻ hỗ trợ thanh toán tiền tại các quầy thu ngân. Khách hàng cũng có thể thanh toán bằng ví điện tử như momo, zalopay, internet banking. Tỷ lệ giao dịch, TTKDTM tại siêu thị hiện chiếm khoảng 70% tổng số giao dịch, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2022.
Đẩy mạnh tuyên truyền, mở rộng dịch vụ
Hiện nay, tỷ lệ thuê bao sử dụng điện thoại thông minh trên địa bàn TP đạt hơn 90%; tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch thanh toán tại ngân hàng hoặc tổ chức khác đạt 77%. Hạ tầng công nghệ thông tin phát triển, mạng viễn thông phủ sóng rộng khắp. TP có 62 điểm truy cập wifi miễn phí tại các công viên, điểm công cộng. Cùng đó, trên địa bàn có nhiều siêu thị, nhà hàng, ngân hàng hoạt động. Đây là một trong những điều kiện thuận lợi để TP đẩy mạnh TTKDTM.
Với mục tiêu phấn đấu 100% các khoản thu từ người học không dùng tiền mặt trong năm học 2023 - 2024, thời gian này, Phòng Giáo dục và Đào tạo TP yêu cầu các trường đẩy mạnh tuyên truyền, áp dụng các hình thức thanh toán học phí, các khoản thu không dùng tiền mặt.
Vận động cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên phổ cập tài khoản định danh điện tử, mở tài khoản giao dịch tại ngân hàng. Tăng cường tập huấn nghiệp vụ quản lý, làm chủ dữ liệu, bảo đảm an toàn, bảo mật thông tin cá nhân của phụ huynh học sinh khi sử dụng dịch vụ.
Chị Nguyễn Thị Liên, Phó Bí thư Thành đoàn cho biết: “Thời gian qua, chúng tôi chỉ đạo các cơ sở đoàn tiếp tục duy trì hiệu quả mô hình “Ngày thứ Năm 3 không” (Không giấy tờ, không dùng tiền mặt, không tiếp xúc trực tiếp với cán bộ một cửa)tại bộ phận một cửa các phường, xã; mô hình “Chợ dân sinh không dùng tiền mặt” tại các chợ truyền thống. Đặc biệt, chú trọng tuyên truyền, hỗ trợ người dân kỹ năng khi thao tác, giải quyết thủ tục hành chính và thanh toán các dịch vụ trên môi trường số”.
TP đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch thanh toán tại ngân hàng hoặc tổ chức được phép khác đạt 80%; tỷ lệ thanh toán thương mại điện tử không dùng tiền mặt đạt 50%. Để hoàn thành, UBND TP chỉ đạo các phòng chuyên môn, UBND phường, xã và các tổ công nghệ số cộng đồng tiếp tục tuyên truyền, hỗ trợ nhân dân sử dụng giao dịch điện tử và TTKDTM. Các phường, xã phối hợp với Thành đoàn hướng dẫn người dân mở tài khoản thanh toán điện tử, bảo đảm 100% người dân có nhu cầu, đủ điều kiện có tài khoản thanh toán điện tử.
Tuy nhiên, để hoạt động này đạt hiệu quả, nhiều ý kiến cho rằng, các ngân hàng thương mại tăng cường phối hợp với cơ quan chuyên môn, địa phương hướng dẫn kỹ năng sử dụng dịch vụ ngân hàng an toàn, hợp lý; nâng cao nhận thức của khách hàng trước rủi ro an ninh mạng, hoạt động lừa đảo trên không gian mạng. Mỗi người dân, chủ cơ sở kinh doanh cần nâng cao cảnh giác, kiểm tra tính xác thực thông tin khi TTKDTM, tránh bị kẻ xấu lợi dụng.
Theo báo Bắc Giang
http://baobacgiang.com.vn/bg/tp-bac-giang/nhip-song-do-thi/415349/tp-bac-giang-no-luc-phu-song-thanh-toan-so.html