TP HCM tạo sức hút cho sản phẩm du lịch đặc trưng
15/11/2023 | Tác giả: THÁI PHƯƠNG Lượt xem: 215
TP HCM có hàng chục sản phẩm du lịch đặc trưng góp phần tạo sự đa dạng cho điểm đến nhưng cần tăng cường liên kết, nâng chất… để thu hút thêm nhiều khách du lịch
Tính đến hết tháng 10-2023, TP HCM có tới 42 sản phẩm du lịch đặc trưng trải dài khắp các quận, huyện và TP Thủ Đức. Số lượng sản phẩm nhiều, đa dạng nhưng cần tiếp tục đầu tư, nâng chất để tạo thành chuỗi liên kết sản phẩm du lịch đặc trưng hấp dẫn của ngành du lịch TP.
Liên tục đầu tư sản phẩm mới
Thống kê của Sở Du lịch TP HCM cho thấy, 42 sản phẩm du lịch của TP Thủ Đức và các quận, huyện trải dài từ quận 1, 5, 6, 11, 12, Tân Bình, Tân Phú, Cần Giờ, Bình Chánh…
Chị Khánh Minh (ngụ TP Thủ Đức, TP HCM) cho biết đã từng nghe đến lực lượng Biệt động Sài Gòn nhưng lần đầu tiên dẫn 2 con nhỏ đi theo tour khám phá những điểm đến ở ngay lòng quận 1, chị thấy rất thú vị. "Các con tôi được tham quan Di tích Hầm vũ khí bí mật của Biệt động Sài Gòn; tìm hiểu về lực lượng Biệt động Sài Gòn xưa; trải nghiệm thang máy từ thời Pháp thuộc độc nhất còn được lưu giữ lại... Không chỉ tham quan điểm đến hấp dẫn, các con còn thưởng thức món cơm tấm Đại Hàn nổi tiếng" - chị Minh kể.
Không ít người sống ở TP nhiều năm nhưng phải đến khi các quận, huyện và TP Thủ Đức đưa vào khai thác các tài nguyên du lịch, họ mới biết trên địa bàn có nhiều điểm đến hấp dẫn chưa được khám phá.
Bà Nguyễn Thị Thanh Thảo, Trưởng Phòng Quy hoạch phát triển tài nguyên du lịch - Sở Du lịch TP HCM, cho biết công tác phát triển sản phẩm du lịch chuyển biến tích cực theo hướng xây dựng bộ sản phẩm du lịch đặc trưng của TP và sản phẩm du lịch theo từng thị trường, trên cơ sở nâng chất các sản phẩm hiện có và hoàn thiện sản phẩm du lịch của các quận, huyện. Chỉ trong năm 2023, 8 địa phương công bố 9 sản phẩm du lịch mới như "Tour Sử xanh" ở quận 3; "Cù lao giữa lòng phố thị" ở quận 4; "Vùng đất của những câu chuyện" ở quận 8 hay "Nghe kể chuyện đông y" ở quận 10…
"Tour quận, huyện góp phần tạo thêm nhiều sản phẩm đa dạng, xây dựng thương hiệu du lịch thành phố, giữ gìn và phát huy bản sắc, các giá trị văn hóa bản địa…" - bà Thanh Thảo nói.
Những sản phẩm du lịch đặc trưng của TP theo chiến lược "mỗi quận, huyện có ít nhất một sản phẩm đặc trưng" của UBND TP đã góp phần giúp ngành du lịch đón thêm nhiều du khách. Trong 10 tháng đầu năm nay, TP đã đón hơn 4,1 triệu lượt khách quốc tế, tăng 55,3% so với cùng kỳ năm ngoái; khách nội địa đến hơn 30,5 triệu lượt, tăng 22,6%. Tổng thu du lịch 10 tháng ước đạt hơn 140.000 tỉ đồng, tăng 32,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đẩy mạnh liên kết
Nhiều doanh nghiệp (DN) nhìn nhận chiến lược xây dựng sản phẩm du lịch quận, huyện và TP Thủ Đức góp phần đem đến "màu sắc mới" cho ngành du lịch. Dù vậy, để thật sự trở thành sản phẩm du lịch chiến lược, sản phẩm "đinh" của TP, cần đẩy mạnh liên kết để những điểm đến hấp dẫn nhất được giới thiệu, quảng bá tới đông đảo người dân và du khách.
Bà Huỳnh Phan Phương Hoàng, Phó Tổng giám đốc Công ty Du lịch Vietravel, cho biết DN này đã khai thác một số sản phẩm du lịch đặc trưng từ các quận, huyện và TP Thủ Đức. Để tạo sức hút hơn thì cần tập trung quảng bá, xúc tiến sớm hơn, ít nhất là trước 1-2 năm nếu muốn tiếp cận với khách quốc tế.
Hiện có hàng chục sản phẩm du lịch đặc trưng được công bố, giới thiệu tới người dân và du khách. Một số sản phẩm sau thời gian công bố chưa được cải thiện, đầu tư thêm các yếu tố tạo sự trải nghiệm, khám phá... nên chưa thu hút được nhiều du khách.
Để tạo "làn gió mới" cho những sản phẩm này, ông Trần Thế Dũng, Tổng giám đốc Công ty Lữ hành Vietluxtour, đề xuất Sở Du lịch TP cần giữ vai trò chủ trì, lựa chọn các sản phẩm chất lượng đưa vào khai thác, cũng như tạo mối liên kết giữa các quận, huyện để hình thành tour liên tuyến.
Bên cạnh đó, các DN đề xuất ngành du lịch TP có thể nghiên cứu liên kết với các tỉnh, thành lân cận, từ đó quảng bá, thu hút thêm các phân khúc khách du lịch mới. Bởi theo ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc truyền thông và marketing Công ty Du lịch TSTtourist, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, du khách cũng cân nhắc chi tiêu và có xu hướng đi tour gần hơn, nhất là các khách đoàn của công ty. Những hành trình trong bán kính 200 km sẽ có lợi thế cạnh tranh. Lúc này, nếu sản phẩm du lịch đặc trưng của TP hấp dẫn, mới mẻ và kết nối với các điểm đến lân cận, có thể thu hút phân khúc khách đoàn công ty từ các tỉnh, thành xung quanh TP đến trải nghiệm, vui chơi, khám phá…
Theo báo Người Lao Động
https://nld.com.vn/du-lich-xanh/tao-suc-hut-cho-san-pham-dac-trung-20231102213247144.htm