Tuyên Quang bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc
09/07/2024 | Tác giả: PV Lượt xem: 166
Tuyên Quang là tỉnh giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước. Với 658 di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh, 425 di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc, tỉnh Tuyên Quang xác định văn hóa là nguồn lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Trong năm 2023, tỉnh đã tổ chức tập huấn công tác quản lý di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh; công tác bảo tồn, phát huy nghệ thuật trình diễn dân gian hát Páo Dung của dân tộc Dao tỉnh Tuyên Quang; xây dựng 03 tập phim tài liệu "Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Tày gắn với phát triển du lịch bền vững trên địa bàn huyện Chiêm Hoá"; "Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Dao gắn với phát triển du lịch bền vững trên địa bàn huyện Na Hang"; "Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Pà Thẻn gắn với phát triển du lịch bền vững trên địa bàn huyện Lâm Bình". Tổ chức phục dựng lễ nhảy lửa của người Dao Đỏ và lễ hội Lồng tông dân tộc Tày, xã Trung Hà, huyện Chiêm Hoá; tổ chức kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái” ở Tuyên Quang…
Cùng với đó, tỉnh cũng thường xuyên quan tâm, hỗ trợ, tổ chức phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng, góp phần phát huy truyền thống đoàn kết, thúc đẩy môi trường sáng tạo và truyền bá nghệ thuật trong cộng đồng dân cư. Hiện nay, 100% số xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh có đội văn nghệ quần chúng; trên 2.600 đội văn nghệ quần chúng thôn, bản, tổ dân phố và các cơ quan, đơn vị, trường học, lực lượng vũ trang; trên 200 câu lạc bộ đàn hát dân ca và bảo tồn văn hóa dân tộc...
Việc bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa đã góp phần giáo dục truyền thống văn hóa, cách mạng của dân tộc, khơi dậy niềm tự hào, ý chí tự lực vươn lên của nhân dân các dân tộc trong tỉnh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nhất là phát triển du lịch.
Xác định: “Tiếp tục thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa, con người. Phục hồi, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa gắn với phát triển du lịch” (Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025), tỉnh Tuyên Quang phấn đấu đến năm 2025, xây dựng Khu di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào đáp ứng các tiêu chí Khu du lịch quốc gia; Khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm là Khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp; xây dựng, phát triển Lễ hội Thành Tuyên là sản phẩm du lịch đặc trưng, riêng có, mang thương hiệu cấp quốc gia, tiến tới thương hiệu quốc tế; xây dựng Khu danh thắng quốc gia đặc biệt Na Hang - Lâm Bình là trung tâm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch khám phá có thương hiệu cấp quốc gia. Mỗi huyện, thành phố xây dựng ít nhất 1 làng văn hóa đặc trưng gắn với phát triển du lịch; xây dựng từ 1 đến 2 sản phẩm du lịch đặc trưng, hấp dẫn, thu hút khách du lịch; tập trung xây dựng 1 làng văn hóa dân tộc cấp tỉnh để bảo tồn, giới thiệu lịch sử quê hương cách mạng và giá trị văn hóa của các dân tộc trong tỉnh, là sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh; phấn đấu đón trên 3 triệu lượt khách du lịch; tổng doanh thu từ du lịch đạt trên 4.800 tỷ đồng; đóng góp cho GRDP từ 6% trở lên; tạo việc làm trực tiếp trong lĩnh vực du lịch cho trên 25.000 lao động.
Theo CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH TUYÊN QUANG
https://tuyenquang.gov.vn/vi/post/tuyen-quang-bao-ton-va-phat-huy-cac-gia-tri-van-hoa-cua-dan-toc?type=NEWS&id=24853
Bạn đọc thấy nội dung hay hãy ấn tặng Xu, tác giả sẽ thêm động lực chia sẻ nhiều nội dung bài khác hay hơn nữa, cảm ơn bạn