Vân Hồ phát triển du lịch xanh

Vân Hồ phát triển du lịch xanh

28/06/2024 | Tác giả: Việt Anh Lượt xem: 91


Phát triển du lịch xanh là một trong những giải pháp để du lịch Việt Nam phát triển bền vững. Nắm bắt xu hướng đó, huyện Vân Hồ tập trung phát triển du lịch gắn với bảo vệ cảnh quan, môi trường, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa mang bản sắc riêng của địa phương.

Vân Hồ phát triển du lịch xanh
Cung đường chữ S trên quốc lộ 6, đoạn qua xã Lóng Luông,  huyện Vân Hồ.

Vùng đất giàu tiềm năng 

Nằm trong Khu du lịch quốc gia Mộc Châu, huyện Vân Hồ được thiên nhiên ưu đãi với nhiều phong cảnh đẹp, phong phú, khí hậu mát mẻ quanh năm, là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch. Với nền nhiệt độ bình quân chưa đến 20oC, Vân Hồ có lợi thế không kém những điểm du lịch nghỉ dưỡng nổi tiếng, có khí hậu tương đồng, như: Sa Pa, Tam Đảo hay Đà Lạt; nhưng có một điểm khác biệt, là Vân Hồ vẫn còn mang nét nguyên sơ, chưa bị nhiều tác động của con người. Cùng với đó, Vân Hồ cách Thủ đô Hà Nội chưa đến 200 km, đường giao thông thuận tiện, là lợi thế thu hút khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm.

Địa hình cao nguyên đá vôi, huyện Vân Hồ có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, những dòng thác trắng xóa, những dòng suối mát lạnh, những hang động kỳ vĩ và những khu rừng già bí ẩn. Đó là Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Nha trên 18.000 ha, với nguồn tài nguyên rừng phong phú, nhiều nguồn gen động, thực vật quý hiếm có giá trị cao được bảo tồn, thuận lợi cho phát triển du lịch sinh thái, khám phá núi rừng, nghiên cứu khoa học.

Bên cạnh đó, Vân Hồ còn có gần 2.000 ha lòng hồ sông Đà trải dài trên địa bàn 5 xã với các đảo nhỏ nhấp nhô tạo nên phong cảnh sơn thủy hữu tình; cùng suối cá bản Bướt, thác Tạt Nàng, suối nước nóng ở xã Chiềng Yên; hệ thống các thác nước tại xã Chiềng Khoa và thảo nguyên đa sắc màu với màu xanh của đồi chè, đồng cỏ; lúc trắng tinh khôi hoa mận, hoa cải, lúc hồng phai sắc đào... mời gọi du khách.

Thác Tạt Nàng, xã Chiềng Yên.

Vân Hồ có nhiều dân tộc anh em cùng sinh sống với những nét văn hóa truyền thống, mang bản sắc riêng, được bảo tồn và phát triển, tạo nên một bức tranh văn hóa đa sắc màu. Trên địa bàn huyện còn có nhiều di tích lịch sử truyền thống, cách mạng có giá trị nhân văn sâu sắc, tiêu biểu như: Khu căn cứ Cách mạng Mộc Hạ, nơi ghi dấu những chiến công của đồng bào, nhân dân các dân tộc trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp; hệ thống di chỉ khảo cổ Hang mộ Tạng Mè, xã Suối Bàng, được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích cấp quốc gia đặc biệt năm 2014; đền Hang Miếng, xã Quang Minh, đã được UBND tỉnh công nhận là điểm du lịch Di tích - Văn hóa lịch sử...

Ông Vũ Thanh Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Hồ, thông tin: Phát triển du lịch xanh bền vững trên cơ sở bảo vệ cảnh quan, môi trường, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc được xác định là một trong những giải pháp quan trọng để du lịch Vân Hồ trở thành thế mạnh trong phát triển kinh tế của huyện. Vì vậy, huyện chỉ đạo các xã phát triển du lịch đúng định hướng, giữ gìn cảnh quan thiên nhiên; hỗ trợ kinh phí để các xã phục dựng, tái hiện một số lễ hội truyền thống, đặc sắc của các dân tộc, vừa bảo tồn được những nét văn hóa đặc trưng, giới thiệu văn hóa, con người Vân Hồ, tạo thành sản phẩm du lịch thu hút du khách trong và ngoài nước.

Đa dạng sắc màu du lịch

Khai thác lợi thế về điều kiện tự nhiên, khí hậu mát mẻ, đặc biệt, đồng bào các dân tộc còn lưu giữ được những nét văn hóa truyền thống đặc sắc, huyện Vân Hồ đã đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng, gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, thu hút nhiều du khách tham quan, trải nghiệm.

Huyện chú trọng bảo tồn và phục dựng các lễ hội, hoạt động văn hóa dân gian, các nghề truyền thống phục vụ phát triển du lịch, như: Tổ chức ngày hội văn hóa các dân tộc nhân dịp Tết Độc lập 2/9; lễ hội Hoa ban, xã Chiềng Khoa; ngày hội Hoa đào, xã Lóng Luông...

Toàn huyện đã xây dựng hơn 100 đội văn nghệ quần chúng tại các tổ, bản, tiểu khu, thường xuyên luyện tập, tham gia biểu diễn giao lưu, liên hoan, hội thi, hội diễn. Nhờ đó, phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng của Vân Hồ ngày càng phát triển, tạo môi trường tốt để bảo tồn những điệu múa, dân ca, nhạc cụ truyền thống, góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân và phục vụ du khách.

Ngày hội Hoa đào, xã Lóng Luông.

Những nét văn hóa đặc trưng, riêng biệt của các dân tộc đã tạo tiền đề quan trọng để Vân Hồ phát triển du lịch cộng đồng. Hiện nay, nhiều bản du lịch cộng đồng được nhiều người biết đến, như: Bản Bướt, Nà Bai, Phụ Mẫu, xã Chiềng Yên; bản Hua Tạt, Chiềng Đi, xã Vân Hồ... Đến đây, du khách được tham gia sinh hoạt cộng đồng, trải nghiệm làm nông nghiệp và thưởng thức những món ăn mang đậm hương vị núi rừng và hòa mình vào điệu múa chuông, nhảy khèn rộn rã.

Khu du lịch The Nordic, bản Hua Tạt, xã Vân Hồ. 

Tận dụng các nguồn lực để phát triển du lịch, huyện Vân Hồ đã phối hợp dự án AOP (Tổ chức phi chính phủ của Úc) về hỗ trợ mô hình phát triển du lịch cộng đồng, tổ chức khảo sát, hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng tại một số bản trên địa bàn huyện. Khảo sát và lập phương án cải tạo cung đường chữ S trên quốc lộ 6 thuộc địa phận xã Lóng Luông. Triển khai xây dựng mô hình du lịch cộng đồng tại bản Chiềng Đi 1, xã Vân Hồ; bản Mường An, xã Xuân Nha và bản Nà Sàng, xã Chiềng Xuân; tổ chức hoạt động chợ phiên đêm bản Chiềng Đi 1, Chiềng Đi 2; khai trương các điểm du lịch cộng đồng tại bản Phụ Mẫu, Nà Bai, xã Chiềng Yên. 

Bản Chiềng Đi 1, nằm sát quốc lộ 6, giáp ranh giữa hai huyện Mộc Châu - Vân Hồ. Bản hiện có 174 hộ với 2 dân tộc Mông, Dao cùng sinh sống. Nhân dân trong bản luôn gìn giữ và bảo tồn nhiều nét văn hóa truyền thống, như: Trang phục, ẩm thực, trò chơi dân gian, văn nghệ dân gian, nhạc cụ khèn và những nghề thủ công làm giấy, rèn dao, dệt vải, in hoa văn bằng sáp ong… nơi đây còn có nhiều sản vật nông sản đặc trưng, như: Lúa tẻ dâu, khoai sọ mán, đào, mận, rau cải mèo…, tạo sản phẩm phục vụ phát triển du lịch cộng đồng.

Đội văn nghệ của đồng bào dân tộc Mông bản Chiềng Đi 1, xã Vân Hồ. Ảnh PV

Ông Vàng A Thanh, Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Chiềng Đi 1, thông tin: Bản đã thành lập và duy trì 1 nhóm thổ cẩm, 1 nhóm làm đồ lưu niệm bằng tre, nhằm sản xuất, chế tác các sản phẩm, đồ lưu niệm phục vụ nhu cầu của khách du lịch, nâng cao thu nhập cho người dân trong bản. Hiện nay, bản có 10 hộ dân xây dựng các điểm nghỉ dưỡng, homestay, nhà hàng phục vụ nhu cầu của du khách. Cuối tháng 5/2023, bản Chiềng Đi 1 được UBND tỉnh công nhận điểm du lịch cấp tỉnh, đây là tiền đề quan trọng để chúng tôi phát triển du lịch cộng đồng bền vững gắn với việc giữ gìn cảnh quan thiên nhiên, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Chiềng Khoa được thiên nhiên ưu đãi khí hậu mát mẻ, trong lành; những cánh rừng nguyên sinh, thác, suối vẫn giữ được vẻ nguyên sơ. Trên địa bàn xã có 3 thác nước hùng vĩ, khá nổi tiếng, là thác Nàng Tiên, thác 7 tầng và thác Tạt Cạng. Cùng với đó, xã còn duy trì và phát huy giá trị văn hóa đồng bào các dân tộc gắn với các lễ hội truyền thống đặc sắc; tích cực xây dựng các sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng, trở thành điểm đến hấp dẫn du khách.

Du khách trải nghiệm tại thác 7 tầng, xã Chiềng Khoa, huyện Vân Hồ.

Cùng gia đình đến khám phá, trải nghiệm các thác nước tại xã Chiềng Khoa, anh Trần Nguyên Hoàng, du khách đến từ thành phố Hải Phòng, cho biết: Các thác nước ở Chiềng Khoa rất đẹp và hoang sơ khi chưa bị tác động nhiều của con người. Đến đây, chúng tôi còn  được thưởng thức những món đặc sản của núi rừng, như thịt trâu, thịt bò gác bếp, xôi ngũ sắc, nộm rau rừng... đem lại cho chúng tôi cảm giác thư thái, bình an bên người thân, bạn bè sau những ngày làm việc mệt mỏi.

Tạo ra sản phẩm du lịch xanh, Vân Hồ đang thu hút ngày càng nhiều du khách đến thăm quan, khám phá và trải nghiệm. Từ đầu năm đến nay, Vân Hồ đã đón trên 193 nghìn lượt khách, doanh thu từ du lịch đạt gần 98 tỷ đồng, góp phần quảng bá, giới thiệu hình ảnh Khu du lịch Quốc gia Mộc Châu – điểm đến thiên nhiên khu vực hàng đầu thế giới.


Theo báo Sơn la

https://baosonla.org.vn/du-lich/van-ho-phat-trien-du-lich-xanh-WNgjYzQSg.html


Chia sẻ trên

28/06/2024 | Tác giả: Hy Uyên

Tổ chức diễn đàn kết nối doanh nghiệp đầu tư, phát triển hệ sinh thái nông nghiệp công nghệ cao

Lần đầu tiên Tây Ninh tổ chức diễn đàn quốc tế về hoạt động thu hút đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao từ châu Âu.

28/06/2024 | Tác giả: Đình Giang

Những con đường mang theo sự no ấm

Là huyện vùng biên có địa hình, địa bàn chia cắt còn nhiều khó khăn, việc đầu tư hạ tầng giao thông kết nối giữa các xã, bản có vai trò hết sức quan trọng, không chỉ tạo điều kiện thuận lợi về giao thông, giao thương mà còn là tiền đề để người dân huyện Mường Lát kỳ vọng về một tương lai no ấm!

28/06/2024 | Tác giả: Mai Phương

“Góc khuất” của xuất khẩu lao động

Giàu lên nhờ xuất ngoại, song ít ai biết đằng sau những ngôi nhà cao tầng từ nguồn tiền đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) còn có những góc khuất, những câu chuyện buồn mà nhiều gia đình đang phải hứng chịu.

Tài khoản của quý khách chưa đủ điều kiện để thực hiện chức năng này

Để có thể tham gia đăng ký tài khoản mua - bán với siêu ứng dụng VIVINA. Quý khách cần đăng ký làm chủ gian hàng với đầy đủ thông tin xác thực và được chập thuận bởi BQT. Vui lòng nhấn vào đường dẫn dưới để biết thêm thông tin...