Văn hóa truyền thống tạo nền tảng phát triển du lịch Bắc Kạn
29/11/2023 | Tác giả: Công Luận Lượt xem: 235
Phát huy các giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển các sản phẩm du lịch bền vững là hướng đi hiệu quả đang được tỉnh Bắc Kạn quan tâm nhằm đưa du lịch trở thành mũi nhọn kinh tế địa phương.
Sau hơn 4 năm thành lập, CLB hát then đàn tính Sắc Chàm đã phát triển thành một trong những CLB quy mô nhất với hơn 60 thành viên, chia thành các nhóm sinh hoạt tại các huyện, thành phố của tỉnh Bắc Kạn. Nghệ nhân Mã Thị Dạy - Chủ nhiệm CLB cho biết từ đầu năm đến nay, các thành viên CLB đã tham gia hàng trăm buổi biểu diễn tại các sự kiện văn hóa, cũng như phục vụ du khách tại các điểm tham quan của tỉnh Bắc Kạn.
“Việc chú tâm lớn nhất của CLB Sắc Chàm là quảng bá, giới thiệu nét đẹp văn hóa, trang phục, ẩm thực của đồng bào Tày đến với bạn bè trong nước, quốc tế. Trước đây anh chị em hội viên chủ yếu thu nhập từ công việc lao động tự do, những năm gần đây nhờ du lịch phát triển và gắn các sự kiện văn hóa dân tộc mà nhiều hội viên đã có thu nhập chính ổn định” - nghệ nhân Mã Thị Dạy nói.
Trong vài năm trở lại đây, nhiều câu lạc bộ hát then đàn tính và các nhóm văn nghệ đã được hình thành với mục đích tham gia biểu diễn phục vụ du khách. Riêng tại khu vực hồ Ba Bể đã có hàng chục CLB. Chị Triệu Thị Xuyến, chủ nhà hàng - homestay Suối Mơ, xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể cho hay, hầu hết các đoàn du khách đến Ba Bể đều đăng ký các dịch vụ trải nghiệm văn hóa bản địa, đặc biệt là giao lưu với các đội văn nghệ trong bản.
Chị Triệu Thị Xuyến cho biết: "Tôi thấy rất hiệu quả, vừa quảng bá văn hóa dân tộc mình, vừa tạo thu nhập cho bà con trong bản. Tôi mong các cấp sẽ hỗ trợ người dân và quảng bá, giới thiệu nhiều hơn về vẻ đẹp văn hóa truyền thống, bởi ở đây ngoài văn nghệ thì còn rất nhiều món ăn, văn hóa trang phục truyền thống đa dạng… nhưng quy trình tổ chức, khai thác sao cho chuyên nghiệp, mang thương hiệu cho vùng miền thì còn rất hạn chế”.
Khu vực hồ Ba Bể là nơi sinh sống lâu đời của cộng đồng các dân tộc Tày, Mông, Dao. Du khách sau hành trình khám phá thiên nhiên sẽ có cơ hội hòa mình trong không gian sống của đồng bào, qua những mô hình du lịch cộng đồng, trải nghiệm cuộc sống ở nhà sàn, cùng người dân nướng cá, quay lợn, làm cơm lam, giã bánh dầy, nặn bánh trời... và cùng đội văn nghệ quần chúng của các thôn, bản ven hồ giao lưu hát then, đàn tính, nhảy sạp, múa bát.
Ông Hoàng Ngọc Thấm - Giám đốc Ban Quản lý du lịch hồ Ba Bể đánh giá sự độc đáo trong văn hóa đang dần tạo nên nét đặc sắc cho du lịch Ba Bể: “Ở khu du lịch Ba Bể, việc phát huy bản sắc văn hóa dân tộc vùng đồng bào dân tộc rất tốt. Vừa là để gìn giữ, phát triển văn hóa lại gắn với nâng cao thu nhập của người dân. Ở đây yếu tố con người, đặc biệt là người dân bản địa sẽ là chủ thể, họ là người lưu giữ, truyền dạy và phát huy nét văn hóa tốt nhất, bởi chỉ người dân vùng ấy họ mới am hiểu nét văn hóa bản địa, họ tham gia tích cực thì mới mang lại hiệu quả cao nhất”.
Dù vậy, ngoài các tiết mục văn nghệ hát then, đàn tính và một số loại món ăn đặc trưng của đồng bào Tày, Nùng đang được khai thác phục vụ du lịch Ba Bể, Bắc Kạn vẫn còn nhiều giá trị văn hóa truyền thống chưa được quan tâm. Có thể kể đến là vẻ đẹp trang phục phụ nữ đồng bào Mông, Dao hay sự độc đáo trong nếp nhà truyền thống người Tày, Nùng, Hoa, Sán Chỉ...
Ông Hoàng Văn Thành - Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa, thể thao và truyền thông huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn cho rằng để tạo được nét riêng có, thu hút du khách, Bắc Kạn xác định phải gắn tham quan danh thắng với trải nghiệm văn hóa bản địa. “Huyện Ngân Sơn ngoài thắng cảnh thì còn thế mạnh là có nhiều nét văn hóa dân tộc và không gian truyền thống. Do đó, Ngân Sơn đang thực hiện một đề án phát triển văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch. Đề án này sẽ chú trọng mảng văn hóa dân tộc như mở các lớp hát then, đàn tính, dạy hát dân ca, thành lập các đội văn nghệ… để làm nguồn cho sau này phát triển du lịch”.
Mặc dù không có được lợi thế về điều kiện giao thông do địa hình chia cắt nhưng bù lại, Bắc Kạn được thiên nhiên ưu đãi rất nhiều về cảnh quan thiên nhiên và đặc biệt là có sự phong phú, đa dạng nhưng cũng hết sức độc đáo trong văn hóa đồng bào các dân tộc thiểu số như Tày, Nùng, Mông, Dao, Sán Chỉ... Đây chính là một trong những tiềm năng, lợi thế tạo nên bản sắc riêng cho du lịch Bắc Kạn và cũng là nền tảng để du lịch trở thành một trong những mũi nhọn kinh tế địa phương./.
Theo VOV
https://vov.vn/van-hoa/di-san/van-hoa-truyen-thong-tao-nen-tang-phat-trien-du-lich-bac-kan-post1015295.vov