Việt Nam sở hữu loại củ 'trường thọ' được người Nhật quý như vàng: Trung Quốc vừa ăn đã mê, xuất khẩu từ củ đến lá hàng chục triệu USD
25/12/2023 | Tác giả: Khánh Vy Lượt xem: 262
Người Nhật Bản ví loại củ của Việt Nam như 'sâm' vì những lợi ích to lớn về sức khỏe.
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 10, xuất khẩu nhóm rau củ của Việt Nam đạt 22,3 triệu USD, giảm 4% với tháng 10/2022. Tính chung 10 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu rau củ đạt 223,5 triệu USD, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhiều mặt hàng rau củ của Việt Nam đang được xuất khẩu với số lượng lớn như ớt, súp lơ, ngô, cải thảo,... Trong đó, khoai lang là một trong những loại rau củ được người nước ngoài cực ưa chuộng.
Cụ thể, xuất khẩu khoai lang trong tháng 10 đạt gần 2 triệu USD, giảm 8,7% so với tháng 10/2022. Tính chung 10 tháng đầu năm, xuất khẩu khoai lang đạt 22,45 triệu USD, giảm 11,1% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 9,6% trong cơ cấu xuất khẩu. Mặt hàng này có giá trị lớn thứ 2, chỉ đứng sau ớt trong nhóm rau củ. Không chỉ phần củ, lá khoai lang cũng được rất nhiều nước thu mua, đạt 345 nghìn USD trong 10 tháng đầu năm nay.
Một trong những thị trường xuất khẩu hàng đầu của khoai lang Việt Nam là Nhật Bản, với giá xuất khẩu đắt đỏ hơn 2.000 USD/tấn. Dù khoai lang là thực phẩm phổ biến ở khắp các quốc gia trên thế giới, nhưng có lẽ chưa có đất nước nào lại coi trọng khoai lang như Nhật Bản. Nhật Bản đã làm nhiều cuộc nghiên cứu để chứng minh tác dụng chống ung thư của khoai lang. Khoai lang còn được người dân Nhật mệnh danh là thực phẩm của sự trường thọ, hay "Sâm xứ Nam”.
Người Nhật cũng đặc biệt ưa thích rau khoai lang. Rau này được bán giá rất đắt và được bình chọn là "rau sống thọ" bởi nguồn dinh dưỡng quý giá mà chúng sở hữu. Loại rau này được xem là kho tàng vitamin, bởi lượng vitamin B2 trong rau khoai lang nhiều gấp 10 lần so với củ khoai lang. Ngoài ra, loại rau này cũng rất giàu chất xơ, vitamin B6, vitamin C, chất chống oxy hóa...
Bên cạnh đó, khoai lang được xuất sang thị trường Trung Quốc trong năm 2023 tăng mạnh. Lý do là bởi, theo Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, hai nước đã ký Nghị định thư về kiểm dịch thực vật với sản phẩm khoai lang vào tháng 4 năm nay, mở đường cho mặt hàng này xuất chính ngạch vào Trung Quốc.
Diện tích trồng khoai lang được cấp phép trong đợt đầu tiên lên tới trên 1.000 ha và phân bố ở khắp các địa phương trên cả nước, gồm: Quảng Ninh, Đắk Lắk, Kon Tum, Gia Lai, Vĩnh Long, Đồng Tháp… Theo đó, Vĩnh Long là địa phương tổ chức lễ xuất khẩu lô hàng khoai lang đầu tiên của Việt Nam vào thị trường Trung Quốc.
Nhờ vậy, giá khoai lang đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, lên 15.000-20.000 đồng một kg giúp nhiều nông dân ở Tây Nguyên lãi đậm. Các nhà vườn trồng khoai lang ở Gia Lai cho biết vụ năm nay, thu 80-200 triệu đồng một ha - mức lợi nhuận cao nhất từ trước tới nay.
Hiện xuất khẩu khoai lang và ớt chiếm 86% tổng giá trị kim ngạch rau củ sang Trung Quốc.
Theo thống kê của Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), Việt Nam có khoảng 100.000 ha trồng khoai lang, tổng sản lượng đạt 1,2 - 1,3 triệu tấn. Năng suất khoai lang cao nhất được ghi nhận ở khu vực ĐBSCL, lên tới 25 tấn/ha, cao gấp đôi so với khu vực miền Bắc, chỉ đạt 12 - 13 tấn/ha.
Huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long là thủ phủ khoai lang của cả nước với diện tích sản xuất hàng năm bình quân trên 13.000 ha, sản lượng trên 380.000 tấn. Lâm Đồng cũng là khu vực trồng khoai lớn. Theo Chi cục Hải quan Đà Lạt thống kê, sản lượng xuất khẩu khoai lang trên địa bàn tỉnh năm 2022 là 8.776 tấn sang thị trường Nhật Bản, xuất khẩu sang một số thị trường khác như Hàn Quốc, Singapore, Malaysia... là 4.561 tấn.
Theo Nhịp sống thị trường
https://markettimes.vn/viet-nam-so-huu-loai-cu-truong-tho-duoc-nguoi-nhat-quy-nhu-vang-trung-quoc-vua-an-da-me-xuat-khau-tu-cu-den-la-hang-chuc-trieu-usd-49437.html