Vĩnh Long hướng đến tăng trưởng xanh
11/06/2024 | Tác giả: TRẦN PHƯỚC Lượt xem: 136
(VLO) Các mục tiêu phát triển kinh tế của tỉnh Vĩnh Long đã và đang hướng đến tăng trưởng xanh, bền vững. Cùng với việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tỉnh đồng thời khuyến khích sản xuất kinh doanh thông qua các mô hình kinh tế tuần hoàn, hạn chế phát thải…
Cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường
Thời gian qua, theo đánh giá của UBND tỉnh, các hoạt động tăng trưởng xanh của tỉnh bước đầu triển khai thực hiện có hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.
Hiện nay các tổ chức, cá nhân ngày càng quan tâm hơn về quy trình sản xuất theo hướng sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm, từng bước hướng đến sản xuất an toàn, ngăn ngừa và hạn chế rủi ro ảnh hưởng đến chất lượng, an toàn của sản phẩm, môi trường, sức khỏe cộng đồng.
Thực hiện xác lập mã số vùng trồng để truy xuất nguồn gốc; xây dựng và phát triển bền vững chuỗi ngành hàng nông sản.
Bên cạnh, các nhà đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghiệp và các doanh nghiệp trong khu công nghiệp nghiêm túc tuân thủ các quy định pháp luật về sản xuất kinh doanh, bảo vệ môi trường, áp dụng các giải pháp sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn, sử dụng và phát triển các nguồn năng lượng tái tạo để giảm chất thải, chất gây ô nhiễm, tái sử dụng chất thải và phế liệu…
Kết quả Chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI) năm 2023 do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố vừa qua cho thấy, Vĩnh Long xếp thứ 10 về Chỉ số PGI 2023.
Đây là một bước tiến dài thể hiện nỗ lực của chính quyền tỉnh trong việc cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường. So với năm 2022 xếp hạng thứ 21 với 15,27 điểm, Vĩnh Long tăng 11 bậc, đứng ở vị trí thứ 10 trong bảng xếp hạng Chỉ số PGI 2023 với 23,15 điểm.
Để đánh giá PGI, cơ quan khảo sát đã đưa ra 4 chỉ số thành phần chính, gồm: Các chính sách giảm thiểu ô nhiễm môi trường và rủi ro thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu; Đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn về môi trường; Thúc đẩy thực hành xanh; Chính sách khuyến khích và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường.
Trong đó, Vĩnh Long đứng ở vị trí thứ 3 về chỉ số Giảm thiểu ô nhiễm và thiên tai; nằm trong top 5 các tỉnh, thành có điểm số cao nhất về Đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn về môi trường.
Kết quả này cho thấy Vĩnh Long được đánh giá là địa phương có khả năng ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai cho người dân và doanh nghiệp tại địa phương rất hiệu quả.
Cùng với đó, thể hiện các nỗ lực của chính quyền tỉnh nhằm thúc đẩy các tiêu chuẩn an toàn môi trường thông qua ban hành các chính sách, quy định có chất lượng tốt, thực hiện công tác thanh tra kiểm tra môi trường hợp lý và thực thi pháp luật nghiêm túc với các trường hợp vi phạm.
Theo VCCI, PGI được thiết kế nhằm cung cấp thông tin đầu vào từ thực tiễn kinh doanh để hỗ trợ chính quyền các tỉnh, thành phố trong công tác quản trị môi trường, cân bằng giữa các mục tiêu tăng trưởng kinh tế và bền vững môi trường.
Định hướng phát triển kinh tế xanh
Vấn đề phát triển kinh tế xanh, bền vững là một trong những định hướng chiến lược của Vĩnh Long. Để thực hiện các mục tiêu chiến lược, bên cạnh quyết tâm cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, ông Lữ Quang Ngời- Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: “Vĩnh Long cam kết nỗ lực trong chỉ đạo, điều hành, xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh lành mạnh, bình đẳng, minh bạch; luôn đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp đầu tư thành công tại tỉnh”.
Mục tiêu đến năm 2030, Vĩnh Long là tỉnh nông nghiệp công nghệ cao, sinh thái; một trong những trung tâm kinh tế nông nghiệp của vùng ĐBSCL; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại kết nối thông suốt với các địa phương trong vùng.
Theo đó, trong chương trình xúc tiến đầu tư năm 2024 nhấn mạnh quan điểm: Khai thác hiệu quả lợi thế địa kinh tế, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Chủ động nắm bắt kịp thời, tận dụng hiệu quả các cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn với quá trình hội nhập quốc tế để cơ cấu lại nền kinh tế của tỉnh theo mô hình kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn phát triển nhanh, bền vững và chủ yếu dựa vào khoa học- công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Tiếp tục thúc đẩy cải cách, hoàn thiện, đơn giản hóa thủ tục hành chính, góp phần tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, có sức hấp dẫn, cạnh tranh cao để thu hút các nhà đầu tư lớn, công nghệ hiện đại; huy động cao nhất các nguồn nội lực kết hợp với tranh thủ các nguồn lực từ bên ngoài, nhất là khu vực kinh tế tư nhân vào phát triển tỉnh Vĩnh Long.
Cùng với đó, đẩy mạnh thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị và hạ tầng đồng bộ với tiêu chí xanh, sạch, ứng dụng công nghệ cao trong quản lý đô thị và quản lý khu công nghiệp, giảm tác hại đến môi trường, hướng tới cắt giảm số lượng lớn khí CO2 trong hoạt động sản xuất kinh doanh…
Chủ động trong công tác xúc tiến mời gọi đầu tư vào tỉnh để phát triển kinh tế- xã hội theo tinh thần Nghị quyết XI của Đảng bộ tỉnh. Cùng với đẩy mạnh việc thực hiện cải cách hành chính, thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP theo Kế hoạch số 09/KH-UBND, tỉnh cũng đã triển khai thực hiện Bộ tiêu chí đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI) tỉnh Vĩnh Long để làm cơ sở đánh giá chất lượng, hiệu quả giải quyết công việc chuyên môn của các cơ quan, đơn vị.
Trên cơ sở quy hoạch tỉnh Vĩnh Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã phê duyệt, tiến hành rà soát ban hành danh mục các dự án trọng điểm mời gọi đầu tư.
Với mục tiêu thu hút đầu tư trọng điểm nhằm khai thác và phát huy mọi tiềm năng, lợi thế của tỉnh; Vĩnh Long đồng thời đưa ra nguyên tắc: Không thu hút đầu tư các dự án có nguy cơ tiềm ẩn gây ô nhiễm môi trường, công nghệ lạc hậu, trong đó ưu tiên thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; lĩnh vực công nghiệp thực phẩm, chế biến nông sản, thủy sản, công nghiệp phục vụ nông nghiệp và nông thôn; phát triển tiểu thủ công nghiệp gắn với phát triển du lịch, bảo tồn ngành nghề truyền thống; các khu đô thị gắn với dịch vụ, thương mại; hạ tầng thích ứng và chịu đựng được trong điều kiện biến đổi khí hậu.
Tại Hội nghị Công bố Quy hoạch tỉnh Vĩnh Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính lưu ý tỉnh Vĩnh Long cần lựa chọn, tập trung phát triển các ngành kinh tế quan trọng đúng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh, như phát triển nông nghiệp công nghệ cao; du lịch lịch sử, văn hóa, du lịch sinh thái, sông nước, miệt vườn… Đồng thời phát triển nhanh một số ngành công nghiệp có lợi thế cạnh tranh, trọng tâm là các ngành có khả năng sử dụng đầu vào là các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh, công nghiệp phục vụ nông nghiệp, nông thôn… Phát triển công nghiệp phục vụ hiện đại hóa nông nghiệp, tăng cường chế biến sâu để phát triển kinh tế Vĩnh Long theo mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, toàn diện.
Theo Báo Vĩnh Phúc
https://baovinhlong.com.vn/kinh-te/202405/vinh-long-huong-den-tang-truong-xanh-3183788/
Bạn đọc thấy nội dung hay hãy ấn tặng Xu, tác giả sẽ thêm động lực chia sẻ nhiều nội dung bài khác hay hơn nữa, cảm ơn bạn