Các chuyên gia và doanh nhân hiến kế phát triển bền vững du lịch Kỳ Sơn
20/11/2023 | Tác giả: Công Kiên Lượt xem: 238
Huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) nỗ lực khai thác tài nguyên để phát triển du lịch. Tại Hội thảo “Phát triển du lịch bền vững huyện Kỳ Sơn: Thực trạng và vấn đề”, các chuyên gia và doanh nhân đã đề xuất những giải pháp sát thực.
Tiến sĩ Vi Văn An - Viện Dân tộc học và Nhân học
“Trong Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch nói chung, du lịch cộng đồng nói riêng cần phải xác định ưu tiên tập trung đầu tư vào các hạng mục trọng điểm, khả thi, tránh dàn trải. Theo đó, trước hết huyện Kỳ Sơn nên chú trọng tới một số di tích lịch sử, danh thắng nổi bật như: Đỉnh Puxailaileng, chợ biên giới (Nặm Cắn), rừng Pơmu (Tây Sơn), tháp cổ Yên Hòa (Mỹ Lý), Mường Lống.
Trong phát triển du lịch, vấn đề quan trọng đầu tiên là hạ tầng, gồm: Hệ thống đường giao thông, phương tiện đi lại, điều kiện ăn ngủ, tiện nghi sinh hoạt, vệ sinh, nước sạch, viễn thông và các dịch vụ kèm theo. Củng cố, duy trì và từng bước nhân rộng các mô hình du lịch cộng đồng, các Homestay ở Mường Lống, Mỹ Lý và tại một số làng nghề.
Hỗ trợ và duy trì các làng nghề: Nghề dệt ở các bản Noọng Dẻ (Nặm Cắn), bản Na Loi, bản Piêng Lau (Na Loi), bản Xốp Thặp, Bản Na (Hữu Lập)…; làng nghề đan lát ở bản Đỉnh Sơn 1, bản Huồi Thợ (xã Hữu Kiệm). Duy trì nghề rèn của người Mông ở Mường Lống, Nặm Cắn.
Tại các điểm du lịch cộng đồng, trên cơ sở thế mạnh của từng tộc người, cần phải tăng cường khai thác các giá trị văn hóa truyền thống về các thành tố văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể gồm: Bảo tồn nhà sàn, nhà trệt truyền thống, nâng cấp đường sá, vệ sinh, nước sạch, vườn cây ăn quả, không gian bản làng, các địa điểm tín ngưỡng tâm linh cộng đồng.
Hỗ trợ, củng cố và duy trì các câu lạc bộ dân ca, dân vũ, các đội văn nghệ quần chúng trong các thôn bản hiện có; từng bước nhân rộng ra các homestay, các làng nghề tại các xã trong huyện, nhằm đáp ứng nhu cầu của khách du lịch.
Trong Phát triển bền vững có 3 lĩnh vực: Kinh tế, xã hội và môi trường. Vì thế, bên cạnh quy hoạch tổng thể, đồng bộ, các loại hình du lịch nói chung, du lịch cộng đồng nói riêng cần phải được tổ chức, quản lý một cách khoa học, chuyên nghiệp, bảo vệ môi trường, khai thác hợp lý các giá trị văn hóa truyền thống để thu hút và phục vụ khách tốt nhất”.
Tiến sĩ Ngô Kiều Oanh - chuyên gia tư vấn du lịch
“Huyện Kỳ Sơn cần bổ sung vào bản quy hoạch tổng thể việc gắn kết các sản phẩm và các hoạt động du lịch vào các quy hoạch như giao thông, nông, lâm nghiệp, thương nghiệp, văn hóa giáo dục, đào tạo nghề mang tính hệ thống. Xác định về mặt định tính các khu vực tiềm năng phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn.
Trên cơ sở đó có chính sách hỗ trợ để bảo đảm việc xây dựng các mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn có tính bản sắc, hiệu quả và khả thi. Từ đó có các chính sách cụ thể làm bật lên được sức mạnh nội sinh để hấp dẫn ngoại lực, tức các nguồn đầu tư.
Cần tìm mọi biện pháp nhằm thu hút được ngoại lực từ tài chính đến trí tuệ, chất xám về với nông thôn Kỳ Sơn, nhất là con em Nghệ An đi làm ăn xa về, để tạo nên sinh khí mới làm động lực phát triển, có nguồn trí tuệ tập trung để biến nông thôn miền núi Kỳ Sơn thành không gian có ích cho tất cả các đối tượng.
Và khi chuẩn bị để đưa các vùng nông nghiệp, nông thôn Kỳ Sơn trở thành điểm du lịch nổi tiếng cũng như trở thành vùng quê đáng sống thu hút nhà đầu tư và khách du lịch thì phải có sự chuẩn bị rất kỹ càng, để không gian nông thôn đó không bị phá vỡ, xáo trộn.
Huyện cần tiến hành khai thác hai cung đường du lịch cảnh quan miền núi kỳ vĩ Kỳ là: Mường Xén - Mường Lống và Mường Xén - Na Ngoi, vì theo đánh giá hai cung đường này thuận lợi và an toàn hơn các cung đường khác. Tập trung quy hoạch chi tiết, xây dựng khai thác được sớm hai điểm đến du lịch nông nghiệp nông thôn để có tiếng vang.
Sau đó, tiếp tục khai thác các điểm du lịch khác như chợ biên Nậm Cắn, khu chợ biên giới duy nhất ở các cửa khẩu Việt Nam là chợ ẩm thực và nông sản Việt – Lào; làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống Noọng Dẻ vẫn còn hơn trăm nếp nhà sàn đa số là nguyên bản của 113 gia đình dân tộc Thái nằm sát chợ biên Cửa khẩu Nậm Cắn.
Xã Mường Lống cách trung tâm huyện Kỳ Sơn 60 km, là đích đến của cung đường tuyệt đẹp, hai bên là các dãy núi cao hùng vĩ phủ các thảm rừng nguyên sinh dầy đặc có độ cao đến 2000 mét , đi qua một số bản làng dân cư. Cung đường khá an toàn do đa số đoạn đường không quá sát vách núi, giao thông ổn định.
Thế mạnh Mường Lống là khí hậu ôn đới, quanh năm mát mẻ và đất đai bazan màu mỡ, cộng với bản sắc văn hóa được các thế hệ của các gia đình dân tộc Mông gìn giữ thuần khiết. Có hợp tác xã nông nghiệp và du lịch với các sản phẩm đặc sản như dược liệu, rau, hoa ôn đới, lợn, gà đen và bò thịt hữu cơ tại các thung lũng cao nguyên”.
Ông Lại Văn Toàn - Phó Giám đốc Công ty cổ phần Phát triển Đoàn Ánh Dương
“Kỳ Sơn, một huyện rẻo cao biên giới, khí hậu khắc khắc nghiệt và địa hình hiểm trở, giao thông khó khăn, trình độ dân trí còn hạn chế. Tuy nhiên, khi nhìn từ một góc độ khác, Kỳ Sơn lại là một miền đất đầy giá trị bản sắc, với tiềm năng phát triển du lịch và triển vọng sẽ giúp huyện vươn lên từng bước thoát nghèo.
Mặc dù đối mặt với những khó khăn và thách thức, nhưng Kỳ Sơn là một điểm đến độc đáo với những cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp. Sự hoang sơ và hùng vĩ của núi rừng, thác nước và hồ nước tạo nên một bức tranh thiên nhiên hấp dẫn và đầy mê hoặc. Điều này tạo ra tiềm năng lớn cho ngành du lịch phát triển, và đồng thời mang lại cơ hội kinh tế và việc làm cho cộng đồng địa phương.
Thêm vào đó, Kỳ Sơn còn có giá trị bản sắc văn hóa độc đáo. Đây là nơi sinh sống của những dân tộc thiểu số với phong tục, tập quán và truyền thống đặc trưng. Du khách có thể khám phá và trải nghiệm những nét văn hóa đa dạng này, từ trang phục truyền thống, nghệ thuật thủ công đến lễ hội sôi động, tạo nên một trải nghiệm du lịch độc đáo và sâu sắc.
Với kinh nghiệm của mình, chúng tôi xin nêu một số gợi ý về cách làm mới, sáng tạo cho điểm đến Kỳ Sơn. Trước hết, cần chủ trương, chính sách đồng bộ từ cấp tỉnh, huyện đến địa phương và tham khảo những mô hình du lịch bền vững đã thành công.
Điểm khởi đầu quan trọng là hiểu và tôn trọng văn hóa, phong tục, tập quán của cộng đồng địa phương. Điều này đảm bảo du khách và các hoạt động du lịch không gây ảnh hưởng tiêu cực đến văn hóa truyền thống. Để phát triển du lịch cộng đồng, cần tạo ra cơ hội việc làm cho người địa phương, điều này có thể đạt được thông qua việc đào tạo và phát triển kỹ năng cho người dân địa phương, giúp họ tham gia vào ngành du lịch và hưởng lợi từ nó.
Cần thiết lập các biện pháp bảo vệ môi trường, quản lý chặt chẽ việc sử dụng tài nguyên và giáo dục du khách về tầm quan trọng của bảo vệ môi trường; thiết lập sự hợp tác chặt chẽ với cộng đồng địa phương, tạo ra các cơ chế giao tiếp, lắng nghe ý kiến và tham gia của người dân địa phương trong quá trình quyết định và triển khai các hoạt động du lịch.
Để thu hút du khách và tạo điều kiện cho du lịch cộng đồng phát triển, cần đầu tư vào cơ sở hạ tầng du lịch như đường giao thông, khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng và các dịch vụ hỗ trợ khác. Sử dụng các công cụ quảng cáo và tiếp thị hiệu quả như website, mạng xã hội, hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp và các kênh phân phối du lịch…”.
Bà Vi Thị Thắm - Giám đốc Trung tâm Điều phối du lịch miền Tây Nghệ An
“Kỳ Sơn nằm trong khu vực miền Tây Nghệ An nên việc phát triển du lịch của địa phương không thể tách rời các huyện, thị xã trong khu vực. Trên cung đường khám phá Tây Nghệ, luôn là điểm đến hấp dẫn, điểm dừng chân lý thú của khách du lịch. Vì vậy, vấn đề quan trọng đặt ra trong quá trình phát triển du lịch ở Kỳ Sơn là tăng cường kết nối với các điểm đến trong khu vực miền Tây Nghệ An.
Các khu, điểm đến du lịch cần thay đổi tư duy và nâng cao nhận thức về kết nối. Với xu thế hiện nay khách du lịch không chỉ tham quan một điểm mà muốn được trải nghiệm ở nhiều điểm với sản phẩm du lịch khác nhau. Các điểm đến trên cùng một cung đường cần tìm ra thế mạnh, đặc trưng riêng và đặc sắc nhất của mình để liên kết với nhau, giúp nhau cùng lớn mạnh.
Để kết nối các điểm đến trên cùng cung đường, sản phẩm du lịch là điều mang tính quyết định rất lớn để thu hút du khách. Thông thường các điểm đến trong cùng một vùng đều có chung tài nguyên du lịch, có những nét tương đồng về thiên nhiên và văn hoá. Vì vậy, mỗi điểm đến cần sáng tạo sản phẩm du lịch mang bản sắc riêng, giá trị riêng.
Việc quy hoạch phải mang tính tổng thế, bài bản, phù hợp và có giá trị pháp lý, có quy định, nguyên tắc chặt chẽ. Các xã được lựa chọn phát triển du lịch cần nghiên cứu và thống nhất loại hình, sản phẩm, dịch vụ du lịch của địa phương mình dựa trên văn hoá, bản sắc riêng, tạo sản phẩm đặc sắc, ấn tượng và hấp dẫn, tránh trùng lặp gây sự nhàm chán cho du khách.
Bên cạnh đó, cần tăng cường kết nối các công ty lữ hành và đẩy mạnh truyền thông, quảng bá để khách du lịch đến với Kỳ Sơn ngày càng nhiều hơn”.
Theo báo Nghệ An
https://baonghean.vn/cac-chuyen-gia-va-doanh-nhan-hien-ke-phat-trien-ben-vung-du-lich-ky-son-post280136.html