Dự án Liên kết vùng miền Trung tỉnh Quảng Nam: Vì sao phải điều chỉnh chủ trương đầu tư?
15/07/2024 | Tác giả: Trịnh Dũng Lượt xem: 169
Ách tắc bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư, chi phí tăng và thời gian thi công dự án Liên kết vùng miền Trung tỉnh Quảng Nam sẽ không thể thực hiện được theo chủ trương đầu tư ban đầu. Chính quyền Quảng Nam buộc phải xin điều chỉnh. Liệu có được chấp thuận?
Bài 1: Tiến độ đầu tư ì ạch
Sau một năm khởi công, dự án Liên kết vùng miền Trung tỉnh Quảng Nam vẫn không có nhiều tiến triển. Những vướng mắc bồi thường, giải phóng mặt bằng vẫn chưa được gỡ bỏ.
Ách tắc Không có nhiều điều mới kể từ ngày khởi công dự án Liên kết vùng miền Trung tỉnh Quảng Nam (19/7/2023). Thời hạn ấn định 30/4/2024 hoặc chậm nhất đến 30/6/2024 phải bàn giao toàn bộ mặt bằng thi công thông qua các cuộc kiểm tra, kết luận của Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban chỉ đạo về đẩy mạnh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm 2021 - 2025 đã không thể thành hiện thực.
Trong cuộc kiểm tra hồi cuối tháng 6/2024, Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết nói tiến độ đầu tư dự án chậm. Chủ đầu tư cần phối hợp các địa phương, có mặt bằng đến đâu thi công đến đó cho kịp tiến độ.
Con đường dài 31,5km đi qua nhiều địa phương (Thăng Bình, Phú Ninh, Tiên Phước, Bắc Trà My) đứt gãy, gián đoạn. Các nhà thầu đúc đủ số lượng cấu kiện đốt cống, nhưng chỉ đang thi công nền và cống thoát nước ngang trên các đoạn có đủ mặt bằng (Phú Ninh, Tiên Phước, Bắc Trà My).
Cầu Trường Giang (Bình Nam, Thăng Bình) đúc xong 28/48 dầm supper T, thi công 18/64 cọc khoan nhồi. Đất ao tôm tại địa điểm thi công mố M1 và trụ T1, T2 chưa bồi thường, chưa thể thi công.
Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông (chủ đầu tư), bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư gặp nhiều khó khăn, kéo dài do cần nhiều thời gian để họp xét nguồn gốc đất.
Hiện trạng sử dụng đất có thay đổi lớn về diện tích so với giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Nguồn gốc đất sử dụng không đúng mục đích theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Việc phê duyệt giá đất cụ thể để trình thẩm định phê duyệt phương án bồi thường thực hiện chậm. Một số địa phương vẫn chưa phê duyệt xong giá đất cụ thể. Các khu tái định cư do địa phương thực hiện chưa hoàn thành nên chưa có cơ sở để lập thẩm định, phê duyệt phương án bồi thường đối với trường hợp phải bố trí tái định cư.
Ông Nguyễn Thanh Tâm - Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông nói, mặt bằng đã bàn giao gần 40% (12,5/31,5km), nhưng không liên tục, khó triển khai thi công.
Nhiều hạ tầng trên tuyến như điện, cáp quang... chưa di dời được. Khối lượng thực hiện mới chỉ đạt 80/516 tỷ đồng. Chủ đầu tư đang phối hợp với UBND các huyện có dự án đi qua tiếp tục thực hiện bồi thường, GPMB phần còn lại để bàn giao mặt bằng thi công.
Chủ đầu tư thống kê đoạn qua Thăng Bình 2km đang bị tắc vì 12 ao tôm. Dân không chịu bàn giao mặt bằng. UBND xã Bình Nam chưa rà soát, báo cáo 6 thửa đất 5%. Chưa có đất để cải táng, di dời mồ mả (khu dân cư có 192 mộ và 5 mộ trên tuyến). Đoạn qua Phú Ninh 1,9km chưa phê duyệt được hồ sơ trích đo điều chỉnh, bổ sung. Đoạn qua Tiên Phước 21,9km nhiều thửa đất chưa đủ điều kiện bồi thường.
Người dân vẫn chưa làm các thủ tục thừa kế, tặng cho, chuyển nhượng, chưa gia hạn thời gian sử dụng đất nông nghiệp. Khoảng 30 hộ dân đã được phê duyệt phương án, nhưng “chê” giá thấp, không nhận tiền bồi thường.
Các khu tái định cư của dự án vẫn chưa được đầu tư hoàn thành, không đủ cơ sở để lập phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng về nhà ở.
Đoạn qua Bắc Trà My 5,7km còn 11 hộ chưa nhận tiền liên quan đến giá thấp, nhà sát vệt thu hồi, yêu cầu điều chỉnh vệt; 15 hộ và 1 tổ chức Tin lành chưa phê duyệt phương án...
Chậm trễ
Ông Nguyễn Thanh Tâm thừa nhận trước phiên giám sát của Thường trực HĐND tỉnh ngày 6/6/2024 việc triển khai dự án chậm trễ. Công tác đấu thầu, trao hợp đồng có nhiều thủ tục phải hoàn thiện để phù hợp với quy định của nhà tài trợ nên thời gian bị kéo dài.
Sự chậm trễ của việc triển khai dự án không phải “lỗi” của chủ đầu tư mà bị khó từ kế hoạch vốn đầu tư công đến sự chồng chéo của các luật về đầu tư xây dựng, đất đai... Đại dịch COVID-19 phức tạp, khiến chuỗi phối hợp với nhân sự nước ngoài bị đứt gãy, ảnh hưởng đến tiến độ dự án.
Theo Sở KH-ĐT, dự án này đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư ngày 27/6/2016. UBND tỉnh phê duyệt đầu tư từ ngày 17/4/2017. UBND tỉnh đã báo cáo Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính đăng ký danh mục và mức vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020.
Tuy nhiên, chưa đàm phán, ký kết hiệp định với nhà tài trợ được, nên dự án không được giao vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020, không có cơ sở để triển khai.
Các văn bản pháp luật về sử dụng vốn ODA, về đầu tư, xây dựng, đất đai có nhiều điều chỉnh. Sự vụ này dẫn đến dự án đã phải mất đến 3 lần điều chỉnh, thay đổi (2018, 2020 & 2021), làm kéo dài thời gian thực hiện.
Theo chủ đầu tư, khó khăn của dự án này (các dự án sử dụng vốn ODA thường gặp phải) là các gói thầu phải tổ chức đấu thầu quốc tế (thiết kế bản vẽ thi công và dự toán, thi công xây dựng), quy định thời gian chuẩn bị hồ sơ dự thầu và thời gian các thủ tục khác cũng dài hơn đấu thầu trong nước.
Việc quy định ở mỗi bước thực hiện phải xin ý kiến nhà tài trợ (phải trình và phải được nhà tài trợ xem xét thống nhất về danh sách dài, danh sách ngắn tư vấn, hồ sơ mời thầu, kết quả đánh giá đề xuất kỹ thuật, kết quả đánh giá tài chính, thương thảo hợp đồng, hợp đồng...).
Thời gian xem xét phản hồi của nhà tài trợ kéo dài, phải thực hiện chỉnh sửa, hoàn thiện nhiều lần theo ý kiến nhà tài trợ... dẫn đến kéo dài thời gian tổ chức lựa chọn nhà thầu cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc chậm trễ.
Ông Nguyễn Thanh Tâm nói, chủ đầu tư đã nhiều lần gửi thư đề nghị nhà tài trợ đẩy nhanh tiến độ xem xét. Đến quý II/2023, chủ đầu tư mới hoàn thành việc lựa chọn nhà thầu và ký hợp đồng thi công hạng mục giao thông và bắt đầu thực hiện bồi thường, GPMB.
Theo kế hoạch, dự án sẽ hoàn thành việc thi công xây dựng công trình theo hợp đồng đã ký kết trước ngày 5/12/2025. Tuy nhiên, trước hàng loạt ách tắc, ngổn ngang như hiện tại, không dễ dự án hoàn thành đúng tiến độ đề ra.
--------------------
Bài cuối: Cần thiết để phù hợp thực tế
Dự án Liên kết vùng miền Trung tỉnh Quảng Nam đã được phê duyệt từ năm 2017. Tổng mức đầu tư 34,5 triệu USD, trong đó vốn ODA 25,47 triệu USD, do Chính phủ Hàn Quốc cho vay thông qua Quỹ hợp tác phát triển kinh tế (EDCF), thực hiện các chi phí: xây dựng, tư vấn thiết kế bản vẽ thi công, tư vấn giám sát, chi phí dự phòng và phí dịch vụ EDCF; vốn đối ứng 9,04 triệu USD, tương đương 201,2 tỷ đồng (90,3 tỷ đồng ngân sách Trung ương và 110,9 tỷ đồng ngân sách tỉnh), thực hiện các chi phí: quản lý dự án, tư vấn đầu tư xây dựng còn lại, chi phí khác, bồi thường, giải phóng mặt bằng, thuế và phí.
Theo Báo Quảng Nam
https://baoquangnam.vn/du-an-lien-ket-vung-mien-trung-tinh-quang-nam-vi-sao-phai-dieu-chinh-chu-truong-dau-tu-bai-1-tien-do-dau-tu-i-ach-3137605.html
Bạn đọc thấy nội dung hay hãy ấn tặng Xu, tác giả sẽ thêm động lực chia sẻ nhiều nội dung bài khác hay hơn nữa, cảm ơn bạn