Nhiều chỉ tiêu kinh tế của Hải Phòng tiếp tục tăng trưởng
21/11/2023 | Tác giả: Trương Quốc Cường Lượt xem: 271
Theo số liệu mới nhất của Cục Thống kê thành phố Hải Phòng, tháng 8/2023 nhiều chỉ tiêu kinh tế của Hải Phòng vẫn tiếp tục tăng trưởng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 13,51%, Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 11,55% so với cùng kỳ năm 2022…
Theo giá một số các mặt hàng thực phẩm tăng là một trong những nguyên nhân lớn làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8/2023 của Hải Phòng tăng 0,63% so với tháng trước và tăng 3,16% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, có 06 nhóm có chỉ số giá tăng, 03 nhóm hàng có chỉ số giá giảm so với tháng trước. Tính chung cả 8 tháng năm 2023, CPI Hải Phòng tăng 3,52% so với 8 tháng năm 2022
Một số nguyên nhân khác làm tăng CPI 8 tháng năm 2023 của Hải Phòng là giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 5,88% do giá sắt, thép, xi măng tăng theo giá nguyên liệu đầu vào.
Giá dịch vụ giáo dục tăng 6,69% do các trường khu vực ngoài công lập điều chỉnh tăng học phí năm học 2022-2023.
Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 3,45%, trong đó giá lương thực tăng 5,07%; giá thực phẩm tăng 2,36%; giá dịch vụ ăn uống ngoài gia đình tăng 6,14%.
Dịch vụ du lịch tăng 12,32% so với cùng kỳ, do nhu cầu du lịch trong nước và ngoài nước của người dân tăng.
Sản xuất công nghiệp của Hải Phòng trong tháng 8/2023 đã khởi sắc hơn những tháng trước, ước tính chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trong tháng tăng 26,43% so với tháng trước và tăng 15,69% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, tình hình kinh tế thế giới và trong nước những tháng đầu năm 2023 gặp nhiều khó khăn đã ảnh hưởng đến kết quả sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố. Tính chung 8 tháng đầu năm 2023, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tính tăng 11,55% so với cùng kỳ năm 2022
Trong đó, các ngành kinh tế cấp 1 đều tăng trưởng dương: ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 12,07%, ngành cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải tăng 7,13%, ngành khai khoáng tăng 42,03%, ngành sản xuất và phân phối điện tăng 1,42%.
Một số ngành công nghiệp trọng điểm tăng trưởng cao so với cùng kỳ như: đóng tàu và cấu kiện nổi tăng 82,55%; sản xuất đồ điện dân dụng tăng 80%; sản xuất máy vi tính và thiết bị ngoại vi của máy vi tính tăng 78,89%; sản xuất các cấu kiện kim loại tăng 48,37%; sản xuất bột giấy, giấy và bìa tăng 48,16%; sản xuất thiết bị truyền thông tăng 45,24%; sản xuất linh kiện điện tử tăng 37,42%; sản xuất xe có động cơ tăng 34,11%...
Một số ngành có chỉ số sản xuất giảm như: sản xuất pin và ắc quy giảm 65,85%; lắp đặt máy móc và thiết bị công nghiệp giảm 48,21%; sản xuất sản phẩm thuốc lá giảm 39,46%; sản xuất hóa chất cơ bản giảm 36,86 %...
Tám tháng đầu năm 2023, năng lực vận chuyển và chất lượng hoạt động vận tải của Hải Phòng tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2022. Tổng doanh thu hoạt động vận tải, kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải và dịch vụ bưu chính, chuyển phát dự kiến tháng 8/ 2023 đạt 9.780,8 tỷ đồng, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 8 tháng đầu năm đạt 77.566,6 tỷ đồng, tăng 15,88% so với 8 tháng cùng kỳ năm 2022.
Sản lượng hàng hóa thông qua các cảng tại Hải Phòng tháng 8/ 2023 ước đạt 14,7 triệu TTQ, tăng 10,71% so với tháng trước và tăng 12,95% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 8 tháng đầu năm 2023 đạt 97,46 triệu TTQ giảm 1,25% so với cùng kỳ năm 2022. Doanh thu cảng biển 8 tháng đầu năm 2023 đạt 4.310,6 tỷ đồng, giảm 1,11% so với cùng kỳ năm 2022.
Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn Hải Phòng tháng 8 năm 2023 ước đạt 7.854,7 tỷ đồng, bằng 98,15% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: thu nội địa đạt 3.003 tỷ đồng, bằng 164,47% so với cùng kỳ năm trước; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 4.778 tỷ đồng, bằng 77,57% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 8 tháng/2023 thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn Hải Phòng đạt 60.284,5 tỷ đồng, đạt 51,77% Dự toán Hội đồng nhân nhân thành phố giao.
Bí thư Thành ủy Lê Tiến Châu chỉ đạo thành phố tiếp tục đẩy mạnh, tăng cường kỷ cương thu, chi ngân sách, tiếp tục đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, xây dựng các dự án hạ tầng giao thông quan trọng như Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng, Dự án đầu tư xây dựng Nhà ga hành khách số 2, Dự án mở rộng sân đỗ máy bay-giai đoạn 2 và Dự án đầu tư xây dựng Nhà ga hàng hóa Cảng Hàng không Quốc tế Cát Bi...
Quan tâm nhiều hơn nữa đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, xây dựng danh sách các doanh nghiệp Hải Phòng đáp ứng tiêu chuẩn làm nhà cung ứng cho doanh nghiệp FDI trong một số ngành, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo xuất khẩu chủ lực của doanh nghiệp FDI.
Tập trung giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp đã được cấp phép; xúc tiến triển khai việc thành lập Khu kinh tế ven biển phía Nam thành phố, gắn với nghiên cứu, quy hoạch hệ thống cảng biển Nam Đồ Sơn, trước năm 2025.
Tham mưu đề xuất các dự án điện gió ngoài khơi thành phố Hải Phòng trong Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050…
Theo Vneconomy
https://vneconomy.vn/nhieu-chi-tieu-kinh-te-cua-hai-phong-tiep-tuc-tang-truong.htm