Phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn: Nhiều vướng mắc cần tháo gỡ

Phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn: Nhiều vướng mắc cần tháo gỡ

30/10/2023 | Tác giả: Bạch Thanh Lượt xem: 375


Du lịch nông nghiệp, sinh thái gắn với kinh tế trang trại, homestay… đang có triển vọng phát triển, tác động tới nhiều ngành, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng đời sống người dân nông thôn. Tuy nhiên, thực tế hành lang pháp lý về đất đai cho lĩnh vực này còn nhiều vướng mắc cần tháo gỡ...

Phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn: Nhiều vướng mắc cần tháo gỡ
Mô hình trải nghiệm nông nghiệp của anh Nguyễn Văn Hợi xã Đan Phượng gặp khó do vướng các điều kiện về đất đai.

Thiếu hành lang pháp lý hỗ trợ

Chị Nguyễn Thị G. có nhiều năm kinh nghiệm xây dựng phát triển thương hiệu homestay trên địa bàn các xã: Tiến Xuân, Yên Bình (huyện Thạch Thất) chia sẻ, khi đất đai, môi trường sinh thái được đầu tư bài bản, thuận theo tự nhiên sẽ gia tăng nhiều giá trị, không bị hoang hóa; người dân nông thôn, miền núi có việc làm; cảnh quan môi trường thay đổi tích cực... Tuy nhiên, hiện nay, một số mô hình hạn chế trong hoạt động bởi vướng mắc về xây dựng vượt hạn mức đất cho phép, thiếu điều kiện pháp lý về đất đai…

Trong khi đó, ông Đặng Văn Tiến, chủ trang trại du lịch sinh thái tại huyện Phú Xuyên cũng cho hay, hành lang pháp lý chưa cho phép trang trại chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp dẫn đến nhiều chủ trang trại xây dựng công trình tạm bợ trên đất nông nghiệp, không đáp ứng nhu cầu du khách... Tương tự, Giám đốc Công ty TNHH Rosa Valley Việt Nam Bùi Thị Thanh Hằng cũng trăn trở, do chưa có quy định nên các homestay chỉ xây dựng trong phạm vi cho phép, không thể mở rộng, không đáp ứng đủ nhu cầu của khách du lịch.

"Tại Hà Nội, nhiều mô hình du lịch cộng đồng chủ yếu tự phát vì chưa tiếp cận được chính sách đầu tư về du lịch nông nghiệp, chính sách đất đai còn vướng mắc... Trong quá trình sản xuất, kinh doanh, chúng tôi gặp nhiều khó khăn, nhất là việc chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang loại hình phi nông nghiệp", ông Nguyễn Văn Hợi ở xã Đan Phượng (huyện Đan Phượng), chủ mô hình nông nghiệp gắn với trải nghiệm nói.

Là xã có hàng trăm mô hình du lịch nông nghiệp, trang trại, homestay, Bí thư Đảng ủy xã Vân Hòa (huyện Ba Vì) Đinh Thị Bích Hảo dẫn chứng: Các mô hình du lịch nông nghiệp nông thôn gắn với lưu trú, trải nghiệm đang thiếu hành lang pháp lý hỗ trợ khiến địa phương lúng túng trong quản lý. Các công trình này đều xây dựng trên thửa đất có nguồn gốc khác nhau như đất trồng cây lâu năm, đất nông nghiệp, một phần đất thổ cư… Trong đó, đất thổ cư được phép xây dựng hạn mức đều thấp, chỉ 400-800m2, dẫn tới nhiều công trình xây dựng vượt hạn mức, bị tháo dỡ, xử lý vi phạm trật tự xây dựng, gây lãng phí nguồn lực.

Qua tìm hiểu của phóng viên Báo Hànộimới, theo quy định của ngành Xây dựng đối với dự án, công trình du lịch có quy mô trên 5ha phải lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, trong đó có tỷ lệ cơ cấu sử dụng đất rõ ràng; đối với dự án dưới 5ha không có quy định cụ thể nội dung của dự án nên việc lập, thẩm định, phê duyệt dự án chưa có cơ sở thực hiện... Trong khi đó, rất nhiều mô hình du lịch nông nghiệp, trang trại sinh thái có quy mô dưới 5ha. Luật Đất đai chưa quy định đầy đủ về chính sách kết hợp kinh doanh cảnh quan, du lịch sinh thái dưới tán rừng; quy định về tách thửa đất nông nghiệp còn vướng...

Cùng với đó, việc buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương để việc kinh doanh theo mô hình du lịch homestay tự phát nên tình trạng tổ chức, hộ gia đình, cá nhân lợi dụng xây dựng lán trại trên đất rừng, đất sản xuất nông nghiệp phục vụ kinh doanh du lịch... vẫn xảy ra.

Cần chính sách, cơ chế cụ thể

Theo Bí thư Đảng ủy xã Yên Bài (huyện Ba Vì) Nguyễn Việt Giao, phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn được xác định là một trong những động lực thúc đẩy xây dựng nông thôn mới bền vững, là xu hướng phổ biến... Để mô hình này phát triển, các huyện, thành phố khi có quy hoạch phát triển du lịch nên tạo điều kiện để chủ mô hình nâng hạn mức đất thổ cư đáp ứng tiêu chí đầu tư xây dựng. Như vậy, một mặt đáp ứng nhu cầu phát triển; mặt khác, Nhà nước sẽ thu được ngân sách, khai thác, phát huy tối đa nguồn lực từ đất đai, đặc biệt là vùng nông thôn, vùng núi, vùng sâu, vùng xa...

Chia sẻ kinh nghiệm, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội Nguyễn Mạnh Thản cho biết, mô hình kinh doanh du lịch nông nghiệp, nông thôn phát sinh từ nhu cầu thực tế nhưng chưa đầy đủ căn cứ pháp lý để thực hiện. Cần bổ sung, hoàn thiện chính sách về đất đai, quy định của pháp luật có liên quan, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho loại hình kinh tế này phát triển. Về lâu dài, các cơ quan chức năng, các địa phương cần đề xuất điều chỉnh chính sách đất đai, trong đó có quy định cụ thể về quỹ đất cho phát triển du lịch nông nghiệp bảo đảm quy mô, đáp ứng nhu cầu thực tế.

Ở góc độ nhà đầu tư, ông Đặng Văn Tiến, chủ trang trại tại huyện Phú Xuyên kiến nghị: Nhà nước nên tạo điều kiện để các mô hình du lịch nông nghiệp được chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, sử dụng đa mục đích; người sử dụng đất trồng lúa được chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất trồng lúa nhưng không mất điều kiện cần thiết để trồng lúa theo quy hoạch, phù hợp quy định của pháp luật; được sử dụng một phần diện tích đất xây dựng công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp theo quy định của Bộ NN&PTNT.

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, giá trị của du lịch nông nghiệp, nông thôn không đơn thuần mang lại thu nhập cho người dân, lợi ích kinh tế cho địa phương mà còn tạo ra giá trị vô hình khác. Vì vậy, để thực hiện hiệu quả hoạt động du lịch gắn với nông nghiệp, cần có cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn từ đất đai, khơi dậy nguồn lực, góp phần thúc đẩy công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống người dân.

Theo báo Hànộimới

https://hanoimoi.vn/phat-trien-du-lich-nong-nghiep-nong-thon-nhieu-vuong-mac-can-thao-go-646436.html


Chia sẻ trên

30/10/2023 | Tác giả: Hoàng Lân

Hà Nội đón 3,6 triệu lượt du khách quốc tế

Hà Nội đặt mục tiêu, năm 2023 sẽ đón 24 triệu lượt khách, bao gồm 4 triệu lượt khách quốc tế. Tuy nhiên, mới đến hết tháng 10, lượng khách quốc tế đã đạt 3,6 triệu lượt.

29/10/2023 | Tác giả: B.Duy

Tôn vinh 64 doanh nghiệp tích cực cải thiện đời sống, môi trường làm việc cho người lao động

Tối nay (29/10), tại Nhà hát Lớn Hà Nội, đã diễn ra Lễ vinh danh “Doanh nghiệp tiêu biểu vì người lao động” năm 2023. Chương trình do Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức, giao báo Lao Động thực hiện.

29/10/2023 | Tác giả: Thanh Hiền

Tháng khuyến mại Hà Nội năm 2023: Thúc đẩy sản xuất, kích cầu tiêu dùng

Tiếp nối thành công trong năm 2022, Tháng khuyến mại Hà Nội năm 2023 được tổ chức từ ngày 27-10 đến 30-11, tại các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng, điểm bán hàng của các doanh nghiệp tại Hà Nội.

Tài khoản của quý khách chưa đủ điều kiện để thực hiện chức năng này

Để có thể tham gia đăng ký tài khoản mua - bán với siêu ứng dụng VIVINA. Quý khách cần đăng ký làm chủ gian hàng với đầy đủ thông tin xác thực và được chập thuận bởi BQT. Vui lòng nhấn vào đường dẫn dưới để biết thêm thông tin...