Tiêm phòng vắc xin - biện pháp bảo vệ tốt nhất đàn vật nuôi
05/06/2024 | Tác giả: Mai Liên Lượt xem: 175
Tiêm phòng vắc xin cho gia súc, gia cầm (GSGC) là biện pháp chủ động, tích cực và hiệu quả nhất nhằm tạo miễn dịch quần thể cho đàn vật nuôi. Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã triển khai tiêm phòng vắc xin đợt I/2024 nhằm thúc đẩy ngành chăn nuôi của tỉnh phát triển bền vững.
Với quy mô chăn nuôi gần 3.000 con gà, ông Nguyễn Đình Thanh, thôn Cầu Tre, xã Hồ Sơn (Tam Đảo) luôn quan tâm thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học, trong đó tiêm phòng vắc xin là biện pháp bảo vệ tốt nhất đàn vật nuôi.
Ông Thanh cho biết: Thời tiết ngày càng cực đoan, nắng nóng, nguy cơ dịch bệnh bùng phát trên vật nuôi rất cao.
Vì vậy, ngoài việc chuồng trại được đầu tư hệ thống làm mát, quạt thông gió, chuồng nuôi được vệ sinh sạch sẽ và phun khử trùng tiêu độc định kỳ, gia đình thực hiện tiêm đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh từ 3 - 5 lần cho đàn gà/lứa; phun thuốc khử trùng tiêu độc 2 - 3 lần/tuần và bổ sung thêm các loại men vi sinh, khoáng chất cho đàn gà. Nhờ vậy, nhiều năm qua, đàn gà của gia đình luôn phát triển khỏe mạnh, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Là địa phương có phong trào chăn nuôi phát triển, những năm qua, nhân viên thú y xã Hồ Sơn luôn bám sát cơ sở, hộ chăn nuôi nhằm nắm bắt tình hình dịch bệnh, hướng dẫn bà con nông dân cách phòng, chống dịch bệnh hiệu quả.
Ông Nguyễn Thành Nguyên, nhân viên thú y xã Hồ Sơn cho biết: Sau khi nhận được văn bản triển khai tiêm phòng vắc xin đợt I/2024, tôi đã tham mưu UBND xã xây dựng lịch tiêm phòng cụ thể đến từng thôn, xóm; thông báo trên hệ thống truyền thanh để các gia đình nắm được lịch tiêm phòng của từng thôn, chủ động bắt nhốt vật nuôi, hỗ trợ nhân viên thú y tiêm phòng vắc xin đầy đủ, kịp thời, hiệu quả cho đàn vật nuôi.
Đợt I/2024, xã tổ chức tiêm phòng cho khoảng 70 nghìn con gà với hộ nuôi dưới 3.000 con, 750 con lợn nái, 600 con trâu, bò.
Nâng cao hiệu quả tiêm phòng vắc xin cho GSGC và khử trùng tiêu độc (KTTĐ) chuồng trại, môi trường chăn nuôi, ngay từ cuối năm 2023, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh tham mưu Sở NN&PTNT trình UBND tỉnh ban hành Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh GSGC, thủy sản năm 2024.
Bám sát các kế hoạch, chỉ đạo của tỉnh, chi cục phối hợp với các đơn vị truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền tiêm phòng vắc xin cho đàn vật nuôi, phun KTTĐ môi trường chăn nuôi và cơ chế chính sách hỗ trợ của Nhà nước để người dân thực hiện; tổ chức tập huấn kỹ thuật cho lực lượng trực tiếp tham gia tiêm phòng và khử trùng chuồng trại, môi trường chăn nuôi; thành lập Tổ thường trực nhập, xuất vật tư, vắc xin, tổng hợp tiến độ tiêm, phun KTTĐ.
Quá trình thực hiện, chi cục tích cực phối hợp với UBND các huyện, thành phố kiểm tra, giám sát, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai.
Với sự chỉ đạo quyết liệt của tỉnh, các địa phương đã vào cuộc tích cực hơn, từ đó nâng cao tỷ lệ tiêm phòng cho đàn vật nuôi.
Đến ngày 28/5, toàn tỉnh đã tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm cho hơn 1,3 triệu con. Trong đó, đàn gà quy mô từ 3.000 con trở xuống tiêm được gần 1 triệu con; đàn vịt, ngan hơn 370 nghìn con.
Đối với đàn trâu, bò, tiêm vắc xin lở mồm long móng được hơn 27.000 con; vắc xin tụ huyết trùng được gần 13.000 con.
Đối với đàn lợn nái, lợn đực giống, tiêm vắc xin lở mồm long móng hơn 22.000 con, vắc xin dịch tả gần 11.000 con, vắc xin tai xanh gần 9.000 con.
Cùng với triển khai tiêm phòng, các địa phương đồng loạt tổ chức phun KTTĐ chuồng trại, môi trường chăn nuôi tại gần 1.500 hộ.
Theo khuyến cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, để tiêm phòng vắc xin hiệu quả, các hộ chăn nuôi cần tiêm vắc xin cho GSGC đúng định kỳ, liều lượng; tăng cường chăm sóc, theo dõi đàn vật nuôi sau tiêm phòng, hạn chế trường hợp phản ứng sau tiêm và nâng cao khả năng đáp ứng miễn dịch của vật nuôi.
Sau tiêm phòng, người chăn nuôi cần để vật nuôi nghỉ ngơi và có chế độ dinh dưỡng phù hợp, nhất là đối với trâu, bò không nên đưa đi cày kéo ngay mà cần bổ sung thức ăn, nước uống.
Hiện nay, dịch bệnh trên đàn GSGC diễn biến phức tạp, do vậy, các hộ chăn nuôi cần tích cực thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học, chủ động tiêm phòng vắc xin phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm để ngăn chặn dịch bệnh phát sinh và lây lan, góp phần thúc đẩy chăn nuôi của tỉnh phát triển bền vững.
Theo Báo Vĩnh Phúc
https://baovinhphuc.com.vn/Multimedia/Images/Id/111866/Tiem-phong-vac-xin---bien-phap-bao-ve-tot-nhat-dan-vat-nuoi
Bạn đọc thấy nội dung hay hãy ấn tặng Xu, tác giả sẽ thêm động lực chia sẻ nhiều nội dung bài khác hay hơn nữa, cảm ơn bạn