Xuất khẩu dệt may dự kiến đạt hơn 40 tỷ USD nhờ chủ động mở rộng và đa dạng hóa thị trường
25/11/2023 | Tác giả: Vũ Khuê Lượt xem: 328
Năm 2023, dù đối mặt với nhiều thách thức, nhưng đáng ghi nhận, xuất khẩu dệt may Việt Nam đã có mặt trên 104 thị trường, sản phẩm xuất khẩu cũng đa dạng hơn với 36 mặt hàng… xuất khẩu toàn ngành dự kiến đạt hơn 40 tỷ USD…
Ngày 23/11, tại Hà Nội, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) tổ chức buổi họp báo trước thềm "Hội nghị tổng kết 2023" sẽ diễn ra vào ngày 16/12 tới đây.
DỆT MAY ĐÃ CÓ MẶT TRÊN 104 THỊ TRƯỜNG
Chia sẻ tại buổi họp báo, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Vitas, thông tin 10 tháng năm 2023, xuất khẩu toàn ngành dệt may đạt trên 33 tỷ USD. Dự kiến cả năm nay đạt khoảng 40,3 tỷ USD, giảm hơn 9% so với năm 2022.
Tuy nhiên, năm nay là năm bứt phá về thị trường của dệt may khi đơn hàng từ các thị trường truyền thống giảm sút, doanh nghiệp đã tìm cách gỡ nút thắt này bằng cách đa dạng hoá thị trường cũng như mặt hàng.
"Chưa năm nào dệt may xuất khẩu vào nhiều thị trường như vậy, với 104 thị trường", ông Giang phấn khởi cho biết.
Trong đó, thị trường xuất khẩu nhiều nhất của dệt vẫn là Mỹ. Ước tính 9 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu may mặc vào Mỹ chiếm trên 11 tỷ USD, Nhật Bản 3 tỷ USD, Hàn Quốc 2,43 tỷ USD, EU gần 2,9 tỷ USD. Đây là 4 thị trường trọng điểm của dệt may Việt Nam.
Tiếp đó là thị trường Canada 850 triệu USD, Trung Quốc 830 triệu USD, Campuchia 612 triệu USD, Anh 503 triệu USD, Australia 351 triệu USD, Nga 283 triệu USD, Indonesia 279 triệu USD, còn các thị trường Thái Lan, Hong Kong, Ấn Độ gần 200 triệu USD.
Các mặt hàng xuất khẩu cũng thay đổi nhiều, đa dạng hơn với 36 mặt hàng may mặc. Trong 9 tháng, jacket vẫn là mặt hàng xuất khẩu chủ lực với khoảng 4,385 tỷ USD, quần các loại 3,853 tỷ USD, sơ mi 1,879 tỷ USD, đồ lót 1,453 tỷ USD, váy các loại hơn 900 triệu USD, quần áo bảo hộ lao động hơn 800 triệu USD, quần sooc hơn 700 triệu USD, quần áo ngủ 378 triệu USD…
Có được kết quả này, ông Giang cho rằng chính là sự nỗ lực đa dạng hoá khách hàng, thị trường và mặt hàng. Đây chính là bước tiến cho việc dệt may Việt Nam, giảm phụ thuộc vào những thị trường lớn. Những thị trường trước đây không nhập khẩu dệt may Việt Nam thì nay đã nhập, như thị trường châu Phi, Nga, thị trường Đạo hồi… Điều này càng khẳng định vị thế của dệt may Việt Nam trên thị trường toàn cầu.
Ông Giang cho biết thêm, để đạt con số dự kiến trên 40 tỷ USD năm nay, Vitas cùng cộng đồng doanh nghiệp xây dựng chiến lược phát triển bền vững, tuân thủ các đánh giá của các điều khoản trong FTA và các điều kiện của các tổ chức đánh giá…
Cộng đồng doanh nghiệp dệt may Việt Nam đã tiên phong trong phát triển bền vững. Đẩy mạnh triển khai xanh hoá thông qua đầu tư vào hạ tầng cơ sở nhằm giảm phát thải nhà kính; chuyển đổi nồi hơi đốt sang bằng điện; tạo môi trường làm việc xanh cho người lao động; đầu tư vào công nghệ số, đáp ứng yêu cầu của các nhãn hàng, nhiều doanh nghiệp đã đạt chứng chỉ LEED platinum (chứng nhận kiến trúc xanh).
Một nỗ lực rất lớn nữa của doanh nghiệp dệt may trong năm nay, đó là giữ chân được người lao động dù có thời điểm thiếu hàng. Chính điều đó doanh nghiệp đã nhận được những tín hiệu tốt hơn, đặc biệt trong quý 4/2023, nhiều nhãn hàng lớn đã quay trở lại. Đây là xu thế tốt cho mục tiêu, giải pháp đặt ra cho ngành dệt may trong năm 2024.
MỤC TIÊU NĂM 2024 LÀ 44 TỶ USD
Năm 2024, dự báo kinh tế thế giới còn nhiều biến động. Lượng hàng hoá dệt may toàn cầu tồn kho hiện còn rất lớn. Ông Giang kỳ vọng Noel, năm mới sắp tới ở các thị trường lớn như Mỹ, EU hàng tồn kho sẽ được giải phóng và thúc đẩy nhu cầu năm tới.
Cũng theo Chủ tịch Vitas, thách thức với doanh nghiệp dệt may chưa dừng lại khi cầu chưa tăng, nhiều thị trường lớn đưa ra những quy định mới về phát triển bền vững, xanh hoá chuỗi cung ứng… Do đó, năm 2024 ngành dệt may đặt mục tiêu xuất khẩu 44 tỷ USD, với 5 giải pháp lớn:
Thứ nhất: Tiếp tục đa dạng hoá thị trường, khách hàng, mặt hàng dựa trên bài học năm 2023.
Thứ hai: Phát bền vững đi đôi với mục tiêu đòi hỏi của thị trường toàn cầu về vấn đề xanh hoá, giảm phát thải nhà kính, đầu tư sâu vào nồi hơi đốt bằng điện, giảm dần đốt bằng hoá thạch. Trong đó đầu tư vào quản trị số, kiểm soát và thích ứng được với đòi hỏi của dệt may toàn cầu.
Thứ ba: Đưa ra giải pháp đầu tư về công nghệ hoá, tự động hoá ở một số dây chuyền sản xuất thích ứng được nhằm giao hàng nhanh, mã hàng nhỏ và chất lượng cao.
Thứ tư: Tập trung cho giải pháp công nghiệp thời trang. Trong chiến lược phát triển ngành, Vitas đã kiến nghị Chính phủ để từ chiến lược của Chính phủ đưa vào đời sống của ngành công nghiệp dệt may. Trong đó quy hoạch các khu công nghiệp đạt chuẩn mực về môi trường để thu hút đầu tư vào phần cung thiếu hụt của ngành như vải. Kiến nghị Chính phủ lấy trọng tâm là TPHCM, Hà Nội làm trung tâm công nghiệp thời trang. Trong đó quan tâm định hình đưa ra giải pháp, chiến lược cho những một số thương hiệu Việt Nam ra thị trường thế giới.
Thứ năm: Phải xây dựng nguồn lực về phát triển mẫu, thiết kế 3D, công nghệ quản trị số. Hiện nay nhiều doanh nghiệp dệt may đã đầu tư nhưng ý tưởng, vận hành và nguồn lực để vận hành vẫn còn thiếu.
Ngành dệt may đi trên con đường có tính mở toàn diện vào thị trường toàn cầu, đó là các FTA – đây là cơ hội số 1 cho dệt may thâm nhập vào toàn cầu. Song theo ông Giang, cần phải hiểu và thích ứng nhanh với đòi hỏi luật chơi toàn cầu của các nhãn hàng, chủ động phát triển mẫu cũng như nguyên liệu đầu vào để được hưởng thuế suất 0%.
Do đó, cần xây dựng nền tảng liên kết chuỗi chặt chẽ trong chiến lược phát triển, chủ động mẫu mã và tiến tới làm chủ cuộc chơi về thương hiệu trên toàn cầu. Bên cạnh đó, củng cố công nghệ và quản trị số để thích ứng nhanh, kịp thời, minh bạch đối với nhãn hàng.
Theo VnEconomy
https://vneconomy.vn/xuat-khau-det-may-du-kien-dat-hon-40-ty-usd-nho-chu-dong-mo-rong-va-da-dang-hoa-thi-truong.htm