'Bão giá' nguyên liệu làm khó sản xuất công nghiệp

'Bão giá' nguyên liệu làm khó sản xuất công nghiệp

05/05/2022 | Tác giả: Nhật Linh Lượt xem: 199


Nguồn cung nguyên liệu khan hiếm, đắt đỏ đang là khó khăn mà nhiều doanh nghiệp sản xuất công nghiệp gặp phải. Điều này tác động tới kế hoạch phát triển, lợi nhuận của các doanh nghiệp trong "đường đua" phục hồi sau đại dịch COVID-19.

'Bão giá' nguyên liệu làm khó sản xuất công nghiệp

Theo báo cáo mới nhất từ Bộ Công Thương, 4 tháng đầu năm 2022, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, ở một số ngành do nguyên vật liệu khan hiếm, giá tăng cao đã kìm hãm sự gia tăng của sản lượng sản xuất.

Đau đầu vì giá đầu vào tăng

Việc tăng giá nguyên liệu không chỉ ảnh hưởng tới kế hoạch hoạt động của doanh nghiệp (DN) quy mô nhỏ mà ngay cả các "ông lớn" cũng đang đứng trước thách thức này. 

Giá cả nguyên liệu "leo thang" đang là khó khăn lớn của các DN sản xuất bia rượu.

Theo báo cáo tài chính quý I/2022 của Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk), doanh thu thuần quý I đạt 13.878 tỷ đồng, tăng nhẹ 5% so với cùng kỳ năm trước, hoàn thành 21% chỉ tiêu kế hoạch năm.

Doanh thu thuần tăng, nhưng lãi gộp của Vinamilk lại giảm so với quý I/2021. Vinamilk cho biết áp lực từ chi phí sản xuất gia tăng, giá nguyên vật liệu đầu vào tiếp tục duy trì ở mức cao do thiếu hụt nguồn cung và ảnh hưởng từ chuỗi cung ứng toàn cầu khiến biên lợi nhuận gộp của công ty giảm hơn 3%, chỉ còn hơn 40%.

Nhiều DN lớn trong ngành bia rượu cũng đối mặt với bài toán giá cả nguyên liệu đắt đỏ. Năm 2022, Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) đặt mục tiêu doanh thu thuần hợp nhất đạt 34.791 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 4.581 tỷ đồng, lần lượt tăng 32% và 17% so với thực hiện năm 2021.

Tổng Giám đốc Sabeco Neo Gim Siong Bennet chia sẻ, tuy đã nhẹ nhõm khi dịch COVID-19 được kiểm soát, song Sabeco đang gặp khó khăn khi giá nguyên vật liệu đầu vào có chiều hướng "leo thang", khan hiếm hàng hóa, tắc nghẽn vận chuyển và cước vận tải hàng hóa cao vì những hệ luỵ mà đại dịch mang lại cũng như căng thẳng Nga - Ukraine.

Trong khi đó, lãnh đạo Tổng công ty Bia - Rượu - Nước Giải khát Hà Nội (Habeco) đánh giá, 2022 là năm khó khăn với ngành bia do chi phí sản xuất tăng mạnh. Theo đó, giá nguyên vật liệu sản xuất đã tăng 50%, vỏ lon tăng 40%... Ngoài ra, xung đột Nga - Ukraine khiến chuỗi cung ứng đứt gãy, làm chi phí vận chuyển tăng 20% so với trước. Điều này đặt gánh nặng lớn lên DN.

Với ngành gỗ, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, cho hay ngành chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam đang trải qua những biến động rất lớn trong thời gian vừa qua. Đại dịch COVID-19 và gần đây là xung đột Nga - Ukraine làm cho cước vận chuyển tăng phi mã, giá gỗ nguyên liệu nhập khẩu tăng cao. Con số thống kê gỗ nhập khẩu từ Tổng cục Hải quan cho thấy chỉ trong vòng 3 tháng đầu năm 2022, giá gỗ thông tròn nhập khẩu đã tăng 52%, gỗ thông xẻ nhập khẩu tăng 38%. gỗ sồi xẻ tăng 36%. Bên cạnh đó, thời gian nhập khẩu kéo dài dẫn đến các DN phải chậm các hoạt động sản xuất. Các yếu tố này đang trực tiếp làm giảm lợi thế cạnh tranh của ngành.

Giải bài toán nguyên liệu trong nước 

Ngay cả với công nghiệp điện tử - "mảnh đất" được đánh giá là "màu mỡ" để thu hút nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới đã và sẽ đầu tư như Samsung, Intel, Apple, Canon, LG, Foxconn... nhưng hiện có tỷ lệ nội địa hóa rất thấp, chỉ khoảng 5-10%. Các sản phẩm điện tử trên thị trường Việt Nam đa số là hàng nhập khẩu nguyên chiếc hoặc lắp ráp trong nước bằng phần lớn các linh kiện nhập khẩu. Các DN công nghiệp hỗ trợ ngành điện tử trong nước đã có tham gia vào chuỗi giá trị của ngành, tuy nhiên, đa số mới cung cấp các sản phẩm đơn giản có giá trị, hàm lượng công nghệ thấp.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, trong 4 tháng đầu năm 2022, về cơ cấu hàng hóa nhập khẩu, gần 89% tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam là nhóm hàng cần nhập khẩu (nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất trong nước) với kim ngạch đạt 106,6 tỷ USD, tăng 16,8% so với cùng kỳ.

Đặc biệt, nhập khẩu các nhóm hàng năng lượng tăng cao, một phần do sản lượng nhập khẩu tăng, một phần do nguồn cung khan hiếm nên giá nhập khẩu tăng. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu than đá tăng tới 123% so với cùng kỳ năm trước do nhu cầu của các nhà máy nhiệt điện than; xăng dầu các loại tăng 146,9%; dầu thô tăng 63,7%; khí đốt hoá lỏng tăng 62,7%...

Ngoài ra, nhập khẩu một số mặt hàng khác cũng tăng mạnh như sản phẩm khác từ dầu mỏ tăng 30,3%; hóa chất tăng 29,3%; sản phẩm hoá chất tăng 26,71%; phân bón tăng 73,3% (riêng nhập khẩu mặt hàng phân ure tăng tới 267%); cao su các loại tăng 34%; điện thoại các loại và linh kiện tăng 20,8%

Thời gian tới, Bộ Công Thương đánh giá hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng phải đối mặt với những khó khăn như nguy cơ về gián đoạn chuỗi cung ứng do căng thẳng thương mại, địa chính trị leo thang; giá cước vận tải ở mức cao tạo thêm khó khăn cho hoạt động xuất nhập khẩu, đặc biệt là những bất ổn từ xung đột Nga-Ukraine.

"Mặc dù kim ngạch thương mại giữa Việt Nam với Nga và Ukraine không lớn, song đây cũng là 2 quốc gia cung cấp nguồn nguyên liệu cơ bản, các loại nông sản như lúa mì, nguyên liệu như than, phân bón, các sản phẩm kim loại..., nên khi xung đột kéo dài sẽ tác động đến giá cả trên thị trường toàn cầu, nhất là giá nguyên liệu đầu vào gia tăng", Bộ Công Thương nhận định. Giá hàng hóa, nguyên nhiên vật liệu nhập khẩu là đầu vào của sản xuất dự báo tiếp tục tăng cao, khiến giá hàng hóa trong nước tăng gây áp lực lớn lên hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là những ngành sử dụng nguyên liệu đầu vào như sắt thép, kim loại, hóa chất, phân bón...

Trước tình hình trên, Bộ Công Thương cho biết sẽ chỉ đạo các đơn vị sản xuất bám sát diễn biến thị trường, nhu cầu thị trường, thúc đẩy sản xuất trong nước, thay thế cho nhu cầu nhập khẩu trong bối cảnh mặt bằng giá cả thế giới tăng cao. Đồng thời, chỉ đạo các DN trong ngành năng lượng theo dõi sát nguồn cung - cầu dầu thô, than nhập khẩu; đánh giá để có các phương án vận hành ổn định, hiệu quả, tối ưu công suất nhà máy; đảm bảo nguồn cung nhiên liệu không bị gián đoạn, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Việc chủ động nguồn nguyên liệu trong nước chắc chắn là giải pháp phải được đẩy mạnh trong thời gian tới. Trong bối cảnh khó khăn này, Vinamilk cho biết sở dĩ công ty vẫn duy trì được mức giá đầu vào nguyên liệu hợp lý nhờ một số biện pháp chủ động nguồn cung trong nước, có các đơn hàng mua với số lượng lớn.

Bà Phạm Chi Lan

Chuyên gia kinh tế

Việt Nam cần những DN quy mô tầm trung tham gia vào hoạt động sản xuất các nguyên vật liệu, để gia tăng sức cạnh tranh cho các ngành công nghiệp mũi nhọn, thay vì phụ thuộc nhập khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc. Bài học thành công từ phát triển công nghiệp của Hàn Quốc là do họ học hỏi các nước đi trước, sau đó vận dụng để phát triển DN công nghiệp của mình. 

 

Ông Thân Đức Việt

Tổng Giám đốc Tổng công ty cổ phần May 10

Ngành dệt may đang phải nhập khẩu từ 65-70% nguyên phụ liệu, trong đó phần lớn là nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc. Ngành dệt may Việt Nam mạnh về sợi, may nhưng hổng về dệt nhuộm. Chúng ta xuất sợi sang Trung Quốc sau đó lại nhập vải về Việt Nam. Quy hoạch mà đề xuất dệt nhuộm thì các địa phương sợ, bởi họ nghĩ ngay tới câu chuyện ô nhiễm môi trường. Tại sao Trung Quốc phát triển công nghiệp đa ngành nghề nhưng họ vẫn giữ ngành may là lõi, hay Ấn Độ cũng vậy? Nếu xử lý nước thải tốt thì lo gì ô nhiễm. Nếu lỗ hổng này không được khắc phục thì việc chủ động nguyên phụ liệu để tận dụng các hiệp định thương mại như CPTPP, EVFTA sẽ rất khó khăn.

Bà Đỗ Thị Thúy Hương

Phó Chủ tịch Hiệp hội công nghiệp hỗ trợ Việt Nam

Chiến tranh, dịch COVID-19 sẽ khiến chuỗi cung ứng toàn cầu sắp xếp lại, đây sẽ là cơ hội cho ngành điện tử Việt Nam thu hút các tập đoàn công nghệ cao và công nghiệp điện tử hàng đầu thế giới, từ đó gia tăng vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu. Điều này cho thấy cơ hội của các DN công nghiệp Việt Nam là rất lớn. Song, để tận dụng được cơ hội, chính các DN cần nỗ lực hơn. Nhà mua hàng đánh giá một DN không phải vì tài sản mà họ đang có, mà là tiềm năng phát triển trong tương lai, đó phải là DN có nhiều triển vọng và thịnh vượng hơn.

Theo Tạp chí Kinh doanh

https://vnbusiness.vn/viet-nam/bao-gia-nguyen-lieu-lam-kho-san-xuat-cong-nghiep-1085200.html


Chia sẻ trên

04/05/2022 | Tác giả: Nhuận Hoa

Không hẹn mà gặp, nhiều tập đoàn đồng loạt muốn rót hàng tỷ USD vào Tây Nguyên

Bên cạnh các lĩnh vực thế mạnh, hàng loạt tập đoàn đa ngành ngày càng xem nhôm ở Tây Nguyên là "miếng bánh ngon" với tham vọng phát triển thêm lĩnh vực khai khoáng năng lượng. Trong đó có Hòa Phát, Sovico, Việt Phương là các doanh nghiệp điển hình đã rót dòng vốn hàng tỷ USD vào các dự án nhôm Tây Nguyên thời gian gần đây.

16/05/2022 | Tác giả: An Nhiên

Tận dụng thị trường ngách bán giày thể thao giá dưới 10 USD cạnh tranh với Nike và Adidas, nhà sản xuất giày Ấn Độ trở thành tỷ phú

Những đôi giày thể thao có giá dưới 10 USD đã đưa nhà sáng lập của Campus Activewear vào danh sách tỷ phú USD của Ấn Độ với tổng tài sản khoảng 1 tỷ USD, theo Forbes.

04/05/2022 | Tác giả: N. Bình

10 địa phương 'quán quân' hút du khách dịp lễ 30-4 và 1-5

Theo thống kê của Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch, chỉ riêng 3 địa phương hút du khách nhất cả nước trong dịp lễ vừa qua đã đón hơn 2 triệu lượt khách, thu 4.000 tỉ đồng.

Tài khoản của quý khách chưa đủ điều kiện để thực hiện chức năng này

Để có thể tham gia đăng ký tài khoản mua - bán với siêu ứng dụng VIVINA. Quý khách cần đăng ký làm chủ gian hàng với đầy đủ thông tin xác thực và được chập thuận bởi BQT. Vui lòng nhấn vào đường dẫn dưới để biết thêm thông tin...