"Cứu tinh" Thái Lan đang liên tục tràn về Việt Nam giúp người chăn nuôi lãi lớn: nhập khẩu tăng hơn 600%, nước ta chi hàng tỷ thu mua từ đầu năm
28/05/2024 | Tác giả: Khánh Vy Lượt xem: 149
Dù có xuất khẩu nhưng Việt Nam vẫn phải nhập khẩu lượng lớn mặt hàng này.
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu nhóm hàng thức ăn gia súc và nguyên liệu về Việt Nam tháng 4/2024 tăng 6,7% so với tháng 3/2024 và tăng 34,8% so với tháng 4/2023, đạt 498,82 triệu USD.
Tính chung trong 4 tháng đầu năm 2024 nhập khẩu nhóm hàng này đạt gần 1,69 tỷ USD, tăng 9,8% so với 4 tháng đầu năm 2023.
Mỹ là thị trường nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu lớn nhất của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm, chiếm 25,2% trong tổng kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này, đạt gần 425,39 triệu USD, tăng 81,9% so với 4 tháng đầu năm 2023; trong đó riêng tháng 4/2024 đạt 137,15 triệu USD, tăng 12,6% so với tháng 3/2024 và tăng 118,6% so với tháng 4/2023.
Đứng thứ 2 là thị trường Achentina chiếm tỷ trọng 23%, đạt 388,32 triệu USD, giảm 2% so với cùng kỳ năm 2023; riêng tháng 4/2024 nhập khẩu từ thị trường này đạt gần 144,91 triệu USD, tăng 27,2% so với tháng 3/2024 và tăng 282,2% so với tháng 4/2023.
Brazil là thị trường nhập khẩu lớn thứ 3 trong tháng 4/2024 nhập khẩu tiếp tục giảm 7,9% so với tháng 3/2024 và giảm 53,3% so với tháng 4/2023, đạt trênn 35,66 triệu USD. Tính chung cả 4 tháng đầu năm 2024 nhập khẩu từ thị trường này tăng mạnh 38,9% so với 4 tháng đầu năm 2023; đạt gần 231,08 triệu USD, chiếm 13,7% trong tổng kim ngạch.
Trong số các thị trường lớn, Việt Nam đang liên tục nhập khẩu mặt hàng này từ Thái Lan. Cụ thể, trong tháng 4, Việt Nam bất ngờ đẩy mạnh nhập khẩu lên tới 50,93 triệu USD, tăng 210% so với tháng trước và tăng mạnh 622% so với tháng 4 năm ngoái.
Lũy kế 4 tháng đầu năm, xứ chùa vàng đã xuất sang Việt Nam tổng cộng 85,84 triệu USD, tăng 127,8% so với cùng kỳ năm 2023. Thị trường Thái Lan chiếm 5,1% trong tổng lượng nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu của Việt Nam.
Theo tính toán, nhu cầu thức ăn chăn nuôi (TACN) cho ngành chăn nuôi trong nước sẽ tiếp tục tăng cao. Hiện mỗi năm Việt Nam cần khoảng 30 triệu tấn TACN, đến năm 2025 và 2030 sẽ lần lượt là 35 và 45 triệu tấn.
Từ năm 2016 trở lại đây, lượng TACN nhập khẩu luôn chiếm khoảng 70% nhu cầu (tương ứng 19-20 triệu tấn), sản xuất trong nước chiếm khoảng 30% (tương ứng 10-11 triệu tấn/năm).
Trung bình mỗi năm, nước ta nhập khẩu 9,5 triệu tấn ngô, 4 triệu tấn khô dầu đậu tương, gần 2 triệu tấn lúa mỳ và cám các loại, 1 triệu tấn DDGS (là loại bột bã từ ngô, lúa mì...), gần 1 triệu tấn thức ăn nguồn gốc động vật.
Theo Bộ NN-PTNT, đây là các loại nguyên liệu mà Việt Nam không có thế mạnh để tự sản xuất trong nước vì không cạnh tranh được với Mỹ, Brazil, Argentina về diện tích, năng suất, đồng thời hiệu quả canh tác không cao bằng sản xuất lúa gạo.
Giữa tháng 5, hàng loạt doanh nghiệp thông báo giảm giá thức ăn chăn nuôi. Đại diện nhiều doanh nghiệp cho biết, việc giảm giá này chủ yếu do giá nguyên liệu như bột cá, đậu nành, bắp... nhập khẩu về hạ nhiệt.
Được biết đây là đợt giảm giá thứ 2 kể từ đầu năm của hầu hết doanh nghiệp. Sau giảm, hiện giá cám bán ra dao động 11.000 - 12.500 đồng/kg đối với cám lợn thịt và gà, 33.000 - 37.000 đồng/kg cám lợn con...
Hiện giá lợn hơi tại nhiều địa phương đã tiến sát mốc 70.000 đồng/kg, mức cao nhất 2 năm qua. Trong bối cảnh giá thức ăn chăn nuôi dần hạ nhiệt, giá bán hiện tại đang mang lại lợi nhuận khoảng 30% cho các hộ nuôi.
Theo Nhịp sống thị trường
https://markettimes.vn/cuu-tinh-thai-lan-dang-lien-tuc-tran-ve-viet-nam-giup-nguoi-chan-nuoi-lai-lon-nhap-khau-tang-hon-600-nuoc-ta-chi-hang-ty-thu-mua-tu-dau-nam-57473.html
Bạn đọc thấy nội dung hay hãy ấn tặng Xu, tác giả sẽ thêm động lực chia sẻ nhiều nội dung bài khác hay hơn nữa, cảm ơn bạn