Để Hải Phòng trở thành thành phố du lịch trọng điểm

Để Hải Phòng trở thành thành phố du lịch trọng điểm

21/11/2023 | Tác giả: Thủy Lê Lượt xem: 236


Nằm ở trung tâm vùng Duyên hải Bắc Bộ, Hải Phòng là một trong số ít địa phương trên cả nước hội tụ đủ 5 loại hình giao thông gồm đường biển, đường sông, đường bộ, đường sắt, đường hàng không được kết nối đồng bộ, thông suốt. Do đó, Hải Phòng là trung tâm du lịch biển lớn của khu vực miền Bắc và cả nước. Đây cũng là vùng đất lâu đời có bề dày truyền thống văn hóa, lễ hội, tài nguyên thiên nhiên phong phú.

Để Hải Phòng trở thành thành phố du lịch trọng điểm

Trên tấm bản đồ phát triển du lịch của cả nước, du lịch Hải Phòng được định hướng phát triển bền vững, trở thành một trọng điểm du lịch quốc gia. 

Hội thi truyền thống vật dân tộc thời Mạc được tổ chức tại Di tích Từ đường họ Mạc (xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng) vào dịp đầu Xuân, trở thành điểm nhấn trong hoạt động văn hóa - du lịch của địa phương. Ảnh: Thủy Lê

Đa dạng sản phẩm du lịch

Nhắc đến Hải Phòng, người ta thường nhớ đến thành phố cảng lâu đời, với các điểm du lịch không kém phần hấp dẫn, đó là Đồ Sơn, Cát Bà. Trong đó, quần đảo Cát Bà hội tụ 5 danh hiệu quốc gia và quốc tế: Danh lam thắng cảnh - Di tích quốc gia đặc biệt, Khu dự trữ sinh quyển thế giới, Vườn quốc gia, Khu bảo tồn biển và là một trong những vịnh biển đẹp nhất thế giới. Cát Bà có giá trị nổi bật về hệ sinh thái biển, đảo, đa dạng sinh học và mỹ học, do đó, trở thành một lợi thế để thu hút khách du lịch nước ngoài.

Nếu cách đây hơn 10 năm, nhắc đến du lịch biển Hải Phòng, người ta chỉ biết đến Đồ Sơn thì những năm gần đây, Cát Bà và vịnh Lan Hạ, bãi biển Cát Cò đang là những cái tên nổi bật, có “thương hiệu” đối với du khách. Quần đảo Cát Bà đang được đệ trình UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới Hạ Long - Cát Bà.

Hải Phòng cũng có lợi thế về du lịch lễ hội, với điểm đến là những ngôi chùa có lịch sử lâu đời như đền Nghè, chùa Dư Hàng... được xây từ thời Tiền Lê, Khu di tích đền Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, đền Bà Đế, tháp Tường Long có từ thời nhà Lý... Khu du lịch - di tích lịch sử Bạch Đằng Giang cũng là cái tên đáng lưu ý đối với đông đảo người dân và du khách thập phương.

Bên cạnh đó, du lịch lễ hội truyền thống Núi Voi, hội thi pháo đất, lễ hội truyền thống Nữ tướng Lê Chân, lễ hội Làng Cá, lễ hội Hoa phượng đỏ, lễ hội chọi trâu... cũng không kém phần hấp dẫn du khách khi đến Hải Phòng. Đặc biệt, Lễ hội Hoa phượng đỏ được tổ chức thường niên vào Ngày Giải phóng thành phố Hải Phòng (13/5) đã trở thành nét đẹp văn hóa của thành phố biển.

Du khách đến thành phố Hải Phòng gần đây còn lựa chọn các sản phẩm du lịch du khảo đồng quê, du lịch nội đô, được chính quyền và nhân dân địa phương tổ chức có hệ thống và khá quy mô. Gần đây, sản phẩm du lịch ẩm thực “food tour Hải Phòng” (tour trải nghiệm các món ăn ngon tại Hải Phòng) đã trở thành hiện tượng bùng nổ trên mạng xã hội. Đây là lựa chọn mới của du khách khi nhắc về Hải Phòng, nhất là những người trẻ tuổi, học sinh, sinh viên.

Ngoài ra, sản phẩm du lịch mới như “city tour Hải Phòng” cũng rất cuốn hút khách ngoại tỉnh. “Chúng em đi tàu hỏa từ Hà Nội đến Hải Phòng, kết hợp city tour và food tour, thế là có một ngày nghỉ cuối tuần rất thú vị” - Hoàng Bằng, một cựu sinh viên trường Đại học Bách khoa trong nhóm bạn trẻ chọn Hải Phòng làm điểm đến trải nghiệm chia sẻ.

Cùng với food tour, city tour, trải nghiệm dịch vụ xe đạp công cộng cũng là một sản phẩm du lịch mới được đưa vào hoạt động tại Hải Phòng. Dự án này được triển khai với 13 trạm tại các vỉa hè quận Hồng Bàng, Lê Chân, Ngô Quyền, tạo điểm nhấn ấn tượng, khuyến khích du lịch xanh...

Chú trọng phát triển du lịch tâm linh

Theo Sở Du lịch thành phố Hải Phòng, tính đến hết tháng 6/2023, du lịch Hải Phòng ước đón và phục vụ hơn 3,4 triệu lượt khách, tăng 14,4% so với cùng kỳ 2022, trong đó, khách quốc tế là hơn 490 nghìn lượt. Doanh thu ước đạt 2.279,7 tỷ đồng. Năm 2023, ngành du lịch Hải Phòng đặt mục tiêu là đón 7,3 triệu lượt du khách. Đây là những tín hiệu khởi đầu cho sự bùng nổ về du lịch của thành phố trong những tháng tiếp theo.

Hải Phòng được đánh giá là địa phương được thiên nhiên ưu đãi rất nhiều điểm cộng để phát triển du lịch. Trong ảnh: Khách du lịch nước ngoài tham quan xã đảo Việt Hải. Ảnh: Thủy Lê

Có được kết quả này, bên cạnh khai thác thế mạnh du lịch biển, ngành du lịch địa phương đã tập trung xây dựng các sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn theo hướng phát triển bền vững. Trong đó, chú trọng phát triển du lịch tâm linh, trên cơ sở khai thác các giá trị văn hóa, lịch sử của địa phương, nhằm tạo nên sự khác biệt, độc đáo, thu hút du khách trong nước và quốc tế.

Mới đây, UBND huyện Kiến Thụy, Hội đồng Mạc tộc Hải Phòng, Ban quản lý Di tích Từ đường họ Mạc Cổ Trai, xã Ngũ Đoan phối hợp cùng Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng vừa tổ chức họp báo giới thiệu sự kiện “Chợ quê thời Mạc” lần thứ I năm 2023, được tổ chức ngay trong khuôn viên Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia Từ đường họ Mạc, xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy trong 3 ngày 29, 30 và 31/7/2023.

Ông Hoàng Văn Kể, Chủ tịch Hội đồng Mạc tộc Hải Phòng, Trưởng ban Tổ chức “Chợ quê thời Mạc” cho biết, đây là một hoạt động trọng điểm của địa phương nhằm quảng bá, giới thiệu được những giá trị quý giá về lịch sử, văn hóa, tâm linh của di tích. Đồng thời, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp truyền thống được khởi nghề từ thời Mạc, các sản vật tiêu dùng, các sản phẩm OCOP nổi tiếng được làm ra ở các địa phương tới người dân và du khách.

Đây là hoạt động có nhiều ý nghĩa, thu hút đông đảo du khách và nhân dân, từng bước hình thành một điểm nhấn trong tour, tuyến du lịch lịch sử, văn hóa tâm linh của thành phố Hải Phòng.

Thực tế, trong sự phát triển của du lịch Hải Phòng, tiềm năng du lịch văn hóa tâm linh là rất lớn và cần được chú trọng khai thác. Theo thống kê của Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng, hiện, trên địa bàn thành phố có 116 di tích cấp quốc gia, 2 di tích quốc gia đặc biệt, bao gồm di tích lịch sử, văn hóa và kiến trúc nghệ thuật, có tuổi đời từ 500 đến 700 năm. Các lễ hội và di tích ở Hải Phòng là một tiềm năng, thế mạnh lớn về văn hóa tâm linh cho ngành du lịch địa phương và của cả vùng Đông Bắc.

Tại Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ XVI, thành phố Hải Phòng đã quyết nghị 3 đột phá chiến lược trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, trong đó có “Phát triển Hải Phòng trở thành trung tâm du lịch lớn của cả nước với trọng tâm là phát triển hạ tầng du lịch, nhất là các dự án du lịch, trung tâm thương mại, khu nghỉ dưỡng cao cấp, tầm cỡ quốc tế; hình thành các sản phẩm du lịch đặc trưng của thành phố gắn với biển, đảo, các di tích lịch sử, văn hóa”.

Theo www.bienphong.com.vn

https://www.bienphong.com.vn/de-hai-phong-tro-thanh-thanh-pho-du-lich-trong-diem-post464289.html


Chia sẻ trên

21/11/2023 | Tác giả: TTXVN

Phát huy tiềm năng kinh tế cửa khẩu để phát triển Lào Cai

Chiều 15.1, tại tỉnh Lào Cai, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thăm, chúc tết Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân tỉnh.

21/11/2023 | Tác giả: Đào Thọ - Hữu Vi

Những cung đường vùng biên nên thơ giữa mùa lau nở

Tháng 11 về, khắp núi rừng, bản làng của vùng cao huyện Kỳ Sơn như Nậm Càn, Na Ngoi, Mường Ải, Nậm Cắn, Mường Lống… đều bừng sáng một màu trắng của hoa lau. Trong cái nắng hanh hao của mùa Đông, sắc lau như tô điểm thêm vẻ đẹp thanh bình, thơ mộng của núi rừng miền Tây.

21/11/2023 | Tác giả: Bích Chiêu

Trường quốc tế đầu tiên khu vực Tây Bắc với mức đầu tư hơn 500 tỉ đồng

Tối 8.1, công trình tổ hợp Trường liên cấp quốc tế Canada (CIS Lào Cai ) tại tỉnh Lào Cai đã tổ chức khánh thành giai đoạn 1 để đưa vào hoạt động.

Tài khoản của quý khách chưa đủ điều kiện để thực hiện chức năng này

Để có thể tham gia đăng ký tài khoản mua - bán với siêu ứng dụng VIVINA. Quý khách cần đăng ký làm chủ gian hàng với đầy đủ thông tin xác thực và được chập thuận bởi BQT. Vui lòng nhấn vào đường dẫn dưới để biết thêm thông tin...