Khen – chê ở vịnh Vũng Rô
16/07/2024 | Tác giả: Mạnh Hoài Nam Lượt xem: 144
Khi ô tô đổ dốc chạy ven bờ Vũng Rô (xã Hòa Xuân Nam, TX Đông Hòa), nhiều văn nghệ sĩ Phú Yên trong chuyến thực tế sáng tác trầm trồ bởi lâu quá mới vào lại Vũng Rô, nhìn bè nổi du lịch, nhà bè nuôi tôm nhấp nhô đủ sắc màu như phố trên vịnh. Thế nhưng, đằng sau cái đẹp hiện có là cái nhức mắt - rác ni lông nổi lềnh bềnh trên mặt nước.
Sau lời khen chê đó, chúng tôi quay lại Vũng Rô tìm hiểu những lạ lùng ở nơi này.
Lồng bè chật chội
Vịnh Vũng Rô trải dài từ Bãi Hương qua Bãi Nhãn, Bãi Chùa, Bãi Chính, Bãi Lách, Bãi Ngà, đến Bãi Lau và Bãi Bàng. Vùng này, hàng trăm người ở các nơi đến “đóng quân” trên vịnh nuôi tôm hùm, cá mú bằng lồng bè. Việc nuôi tôm hùm, cá mú mỗi ngày thải ra nhiều rác, trong đó có ni lông, lon, chai nhựa.
Trưa, chúng tôi đi qua Bãi Chùa gặp hai người đàn ông đang ngồi quán uống nước, mắt hướng ra vịnh ngắm nhìn lồng bè. Sau một hồi làm quen, một người tự giới thiệu tên Nguyễn Văn Hóa, quê ở phường 7, TP Tuy Hòa, còn người bạn tên Phan Văn Cốm ở xã Hòa Xuân Nam, TX Đông Hòa.
Ông Hóa giới thiệu là giáo viên về hưu, gần 10 năm mới có dịp quay lại đây, thấy “thương” Vũng Rô nước biển trong xanh, bờ bãi đẹp nhưng rác ni lông xuất hiện nhiều quá.
Ông Cốm thì cho hay rác trên vịnh thì túi ni lông là nhiều nhất, bởi những người nuôi thủy sản ở đây sáng từ bè chạy ghe vô bờ đi chợ, tất cả đều dồn vô túi ni lông đem ra bè nấu nướng rồi tiện tay thả xuống Vũng Rô.
“Đi qua hàng trăm bè, ít khi tôi thấy có sọt chứa rác. Trong khi đó, tôm hùm, cá mú ăn thức ăn tươi sống, mỗi gói mồi 10kg đều đựng trong túi ni lông. Mỗi bè nuôi 30 lồng nên mỗi ngày phải mua 3 tạ mồi cho tôm ăn. Như vậy, tôm hùm ăn xong là chủ nuôi thải ra 30 túi ni lông. Cá bớp cũng tương tự, vì vậy túi ni lông xả xuống vịnh, gặp gió dồn lại thành đám rác nhìn thấy nhức mắt”, ông Cốm nói.
Từ Bãi Chùa vào chợ Vũng Rô, gặp anh Bùi Văn Long, một người nuôi tôm hùm chở thức ăn cho tôm, chúng tôi xin quá giang ra bè. Nhìn quanh một vòng cung, nhà bè tiếp nối, thùng phuy nhựa nửa nổi nửa chìm, vịnh Vũng Rô chật chội lồng bè.
“Tôi làm nghề nuôi tôm hùm trên 10 năm, hồi mới đến chỉ vài người lạ, giờ thì một tạ người quen”, anh Long nói.
Cũng theo anh Long, sống trên sóng nước, thời gian di chuyển trên ghe, đi trên lồng bè nhiều hơn đi trên bờ, thế nhưng ghe chở thức ăn cho tôm có lúc kẹt giữa biển do túi ni lông quấn vào chân vịt.
Vận động mang rác vào bờ
Theo thống kê của UBND xã Hòa Xuân Nam, hiện Vũng Rô có khoảng 500 bè nuôi cá mú, tôm hùm xanh và 21 bè nổi hoạt động du lịch vùng ven bờ. Nguyên nhân của tình trạng rác thải nhựa trôi tấp trên vịnh Vũng Rô là do các hộ nuôi thủy sản trên các lồng, bè tùy tiện vứt bỏ túi ni lông xuống vịnh.
Trước tình trạng ô nhiễm vì rác ni lông, địa phương quản lý rác bằng cách yêu cầu các chủ lồng bè ký cam kết mang rác vào bờ.
Ông Trần Văn Lan, một người nuôi tôm hùm ở Vũng Rô cho biết: Cán bộ địa phương ra tận lồng bè vận động các chủ lồng bè ký cam kết và tự nguyện đóng góp kinh phí để thực hiện xã hội hóa việc thu gom rác. Điều này tôi rất ủng hộ.
Tuy nhiên, ý thức nhiều người trong công tác bảo vệ môi trường còn kém nên hiệu quả mang lại không cao. Hầu hết người làm công khi vận chuyển mồi và cho tôm hùm ăn xong, họ đụng đâu quăng đó. Bè nào ông chủ kỹ tính thì người làm công mới gom ni lông cho vào sọt rác đem vào bờ. Thế nhưng, nhiều ông chủ không túc trực tại bè nên người làm công không thực hiện theo quy định cam kết.
Cũng theo ông Lan, chính quyền địa phương làm tốt công tác quản lý rác, nhưng nếu người nuôi thủy sản không có ý thức giữ gìn môi trường chung thì tình trạng rác trên vịnh Vũng Rô khó xử lý triệt để.
Cán bộ địa phương ra tận lồng bè vận động các chủ lồng bè ký cam kết mang rác vào bờ và tự nguyện đóng góp kinh phí để thực hiện xã hội hóa việc thu gom rác. Tuy nhiên, ý thức nhiều người trong công tác bảo vệ môi trường còn kém nên hiệu quả mang lại không cao. Ông Trần Văn Lan, một người nuôi tôm hùm ở Vũng Rô |
Theo ông Trần Kim Trọng, Chủ tịch UBND xã Hòa Xuân Nam, số lượng lồng bè trên Vũng Rô chiếm diện tích mặt nước khoảng 400ha. Tháng 6/2020, UBND xã tiến hành thống kê tại Vũng Rô có 380 chủ bè nuôi với 16.469 ô lồng, nay có khoảng 500 bè với hơn 21.630 ô lồng.
Trước tình trạng này, UBND xã đã phối hợp cùng Đồn Biên phòng Cửa khẩu Cảng Vũng Rô tăng cường tuần tra, kiểm soát. Giải pháp bảo vệ môi trường lâu dài, UBND xã sẽ mời các hộ dân đang nuôi trồng thủy sản về xã để tuyên truyền, vận động tự thu gom rác vào bờ, đồng thời xử lý nghiêm hành vi thải bỏ chất thải nhựa.
Theo các chuyên gia về môi trường, phải mất từ 500-1.000 năm túi ni lông mới phân hủy trong môi trường tự nhiên. Riêng túi ni lông không trực tiếp tiếp xúc với ánh sáng sẽ vĩnh viễn không thể phân hủy.
Theo Báo Phú Yên
https://www.baophuyen.vn/141/317988/khen-%E2%80%93-che-o-vinh-vung-ro.html
Bạn đọc thấy nội dung hay hãy ấn tặng Xu, tác giả sẽ thêm động lực chia sẻ nhiều nội dung bài khác hay hơn nữa, cảm ơn bạn