Nhịp sống ở bến Gành Đỏ
16/07/2024 | Tác giả: Mạnh Hoài Nam Lượt xem: 105
Đi trên quốc lộ 1 theo hướng Nam - Bắc, lên đỉnh đèo Gành Đỏ, vòng bên phải theo con đường bê tông xuống biển, ngang qua chỗ thúng to, thúng nhỏ chen lấn, ghe thuyền nhấp nhô, ta sẽ thấy bến Gành Đỏ, phường Xuân Đài (TX Sông Cầu).
Mờ sáng, nhiều người điều khiển thúng từ bè vào bờ mua thức ăn cho tôm hùm. Người đi đánh bắt cá, tôm bằng nghề lưới thúng cũng về đây cập bến bán hải sản cho thương lái.
“Chợ thúng” đông đúc
Sáng, anh Bùi Văn Nghĩa lắc thúng tiểu bằng tay từ bè ngoài vịnh Xuân Đài vô bến Gành Đỏ, sau đó kéo thúng lên để trên bờ một nửa dưới nước một nửa rồi đi bộ đến chỗ có nhiều người đang chờ đến lượt xay ốc bươu, cua ghẹ làm thức ăn cho tôm hùm. Một lúc sau, anh Nghĩa vận chuyển rổ đựng thức ăn cho tôm hùm xuống chất lên thúng. “Đang nuôi lứa tôm nhỏ nên tôi chỉ mua 1,5 tạ mồi, còn trước đây phải chất lên thúng tới 4 tạ”, anh Nghĩa nói.
Không chỉ anh Nghĩa mà có tới hàng chục người đang đi chợ mua thức ăn cho tôm hùm. Anh Trần Văn Tuấn ngồi nghỉ mệt khi vừa chất 3 tạ mồi thức ăn cho tôm hùm lên thúng, cho hay: Ngày nào cũng vậy, 6 giờ sáng là tôi có mặt tại bến Gành Đỏ mua thức ăn cho tôm rồi chất lên thúng lắc ra bè. Vùng này lồng bè nuôi tôm hùm trải rộng, từ phía ngoài cù lao Ông Xá đến phía trong là Gành Đen. Trong số thúng cập bến Gành Đỏ, có người nuôi tôm hùm lấn qua mực nước sâu biển Vũng La (xã Xuân Phương). Từ Gành Đỏ nếu chạy xe gắn máy thì vòng quanh vịnh Xuân Đài ra ngã ba Trung Trinh vòng xuống Vũng Sứ, Vũng Chào rồi đến Vũng La mất nửa tiếng đồng hồ; còn chạy bằng thúng máy chưa đến 10 phút là đến Vũng La.
Ông Phan Văn Tiến, chủ đại lý bán thức ăn nuôi tôm tại vùng này cho biết: Hằng ngày, có từ 2-3 xe container chở thức ăn cho tôm hùm, mỗi xe chở 50 tấn ốc cháy, ốc bươu, hàu, vẹm... cung cấp cho người nuôi tôm. Bến Gành Đỏ mỗi sáng có hàng trăm thúng cập bến đi chợ mua, vận chuyển thức ăn ra bè cho tôm.
Thúng trong, ghe ngoài
Sáng sớm, người chèo thúng xúm lại đông đúc vận chuyển thức ăn cho tôm hùm, đến khi mặt trời mọc thì lần lượt ra bè. Lúc đó, thúng của những người đi hành nghề lưới thúng cập bến Gành Đỏ gần 100 chiếc. Anh Thái Tâm với đôi tay rắn chắc cầm dầm cột vào bên thúng lắc qua lắc lại lia lịa xuống nước vượt qua cù lao Ông Xá về bến. Kéo thúng lên bờ, anh Tâm cân cá cho thương lái xong, rồi cho biết: Mùa nắng ngư dân đi giàn lưới cá trích, bắt cá hố; còn mùa biển động thì đi lưới tôm, bắt tôm hùm giống. Người làm nghề lưới thúng ra bến lúc nửa đêm mưu sinh, ngày mới thì trở về. Mùa này, tôi cùng nhiều người đánh cá bằng lưới rê. Đây là nghề đem lại thu nhập chính cho gia đình, mỗi chuyến thả lưới thu nhập 400.000-500.000 đồng.
Theo nhiều ngư dân ở đây, thúng có nhiều kích cỡ, thúng đại, thúng trung, thúng tiểu. Thúng đại thì ngư dân gắn thêm động cơ nhỏ ít hao nhiên liệu, còn người đi thúng tiểu phải lắc tay lướt sóng. Những năm gần đây, để việc đánh bắt được thuận lợi, giảm công sức lắc tay, nhiều người đầu tư mua hoặc nâng cấp từ thúng lắc tay lên thúng máy.
Thúng to, ngư dân “độ” chỗ ngủ. Họ bạ hai cây gỗ vào hai bên vành thúng, đêm đến cột võng ngủ. Nhờ vậy mà người mưu sinh từ nghề thúng ngày nào cũng có thể đi biển. Còn trước đây không có vốn, ngư dân chỉ làm thúng nhỏ, lắc tay thì hai bữa đi, một bữa nghỉ vì chịu không nổi cảnh ngồi ròng rã cả đêm. Ngư dân hành nghề lưới thúng thường đánh bắt cá trích, phèn, nục... Cá vừa dính lưới từ biển đem vào bờ chỉ mất vài tiếng đồng hồ, nên đến chợ vẫn còn tươi rói, ngọt nước.
Vùng này có ngư dân đi biển đánh bắt bằng ghe, ban đêm bủa giàn cá trích và giàn cá đấu. Nghề lưới ghe ven bờ tuy không có thu nhập cao như các tàu chuyên đánh bắt vùng khơi, nhưng giúp ngư dân có nguồn thu nhập ổn định. Trung bình mỗi đêm đánh bắt, ngư dân kiếm được 500.000 đồng, có đêm kiếm 1 triệu đồng. Ngư dân chủ động với nghề lưới ghe, hôm nào khỏe thì đi, hôm nào mệt thì nghỉ ngơi. Chị Bùi Thị Hồng ở phường Xuân Đài cho hay: Nghề lưới ghe nửa đêm đi, sáng về, cá còn tươi rói. Nhà tôi có cả thúng và ghe. Biển động thì chồng tôi chạy ghe, còn biển êm thì lắc thúng thả lưới. Mờ sáng tôi túc trực tại bến Gành Đỏ phụ chồng bán cá, vận chuyển ngư lưới cụ. Do bến Gành Đỏ thúng ghe chen lấn nên ngư dân đánh bắt tranh thủ vô sớm để ghe có chỗ đậu gần bờ, còn vô muộn thì đậu ngoài xa chỗ nước sâu, phải dùng thúng “tăng bo” vào trong cạn.
Bến Gành Đỏ là nơi sinh sống của hàng trăm hộ dân quanh vịnh, mưu sinh bằng nghề lưới rê, đánh bắt bằng thúng, ghe, gần cửa vịnh Xuân Đài thông ra biển. Theo Phòng Kinh tế TX Sông Cầu, toàn thị xã có 6.760 chiếc ghe, thúng nhiều kích cỡ. Đối với những ngư dân không có điều kiện sắm tàu lớn vươn khơi xa thì thúng là phương tiện mưu sinh đem lại nguồn thu nhập nuôi sống gia đình. Đối với ghe nhỏ đánh bắt ven bờ, tuy vất vả đêm hôm, nhưng nhờ nghề này mà nhiều gia đình có tiền trang trải cuộc sống, lo cho con cái học hành.
Nhà tôi có cả thúng và ghe, biển động thì chồng tôi chạy ghe, còn biển êm thì lắc thúng thả lưới. Mờ sáng tôi túc trực tại bến Gành Đỏ phụ chồng bán cá, vận chuyển ngư lưới cụ. Do bến Gành Đỏ thúng ghe chen lấn, nên ngư dân đánh bắt tranh thủ vô sớm để ghe có chỗ đậu gần bờ, còn vô muộn thì đậu ngoài xa chỗ nước sâu, phải dùng thúng “tăng bo” vào trong cạn. Chị Bùi Thị Hồng ở phường Xuân Đài, TX Sông Cầu |
Theo Báo Phú Yên
https://www.baophuyen.vn/141/318215/nhip-song-o-ben-ganh-do.html
Bạn đọc thấy nội dung hay hãy ấn tặng Xu, tác giả sẽ thêm động lực chia sẻ nhiều nội dung bài khác hay hơn nữa, cảm ơn bạn