Bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử
16/07/2024 | Tác giả: Ngọc Quỳnh Lượt xem: 153
Di tích lịch sử cách mạng gắn liền với những năm tháng đấu tranh dựng nước, giữ nước hào hùng của các thế hệ cha ông. Không chỉ là biểu tượng của quá khứ, mà đó còn là địa chỉ đỏ tuyên truyền giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc đối với các tầng lớp nhân dân.
Tự hào về quê hương
Buổi sáng hôm ấy, thôn Xuân Dục, xã An Phú, TP Tuy Hòa rực rỡ sắc cờ hoa đón nhận bằng xếp hạng Di tích lịch sử Địa điểm diễn ra trận đánh Núi Thơm ở thôn Xuân Dục. Theo chương trình, 7 giờ 30 mới diễn ra buổi lễ, nhưng từ sáng sớm đông đảo cán bộ, lãnh đạo xã và người dân nơi đây đã có mặt tại khu vực bia chiến công địa điểm diễn ra trận đánh Núi Thơm. Cụ Nguyễn Ngọc Của - một bậc cao niên ở đây bày tỏ: “Khi biết địa điểm diễn ra trận đánh Núi Thơm được tỉnh công nhận là di tích cấp tỉnh, tôi và nhiều bà con trong xã rất vui mừng, tự hào. Được sống trong những năm tháng hòa bình, chúng tôi không bao giờ quên các thế hệ cha anh đã hy sinh quên mình cho đất này”.
Địa điểm diễn ra trận đánh Núi Thơm là nơi ghi dấu chiến công trận đánh đầy mưu lược, dũng cảm và táo bạo của Đại đội Đặc công 202 vào một cứ điểm quân sự quan trọng của địch. Bia chiến công ghi tạc: “Nơi đây, ngày 10/3/1970, Đại đội Đặc công 202 của Tỉnh đội Phú Yên đã tập kích cứ điểm Núi Thơm do Đại đội Bảo an 152 của địch chốt giữ. Sau 45 phút chiến đấu ác liệt, ta đã loại khỏi vòng chiến 76 tên địch, trong đó có 2 cố vấn Mỹ, thu nhiều vũ khí, quân trang, quân dụng. Ta hy sinh 4 đồng chí, bị thương 4 đồng chí. Đây là trận mở đầu năm 1970 giành thắng lợi, góp phần làm thất bại âm mưu kế hoạch “Bình định nông thôn của địch”, hỗ trợ quần chúng nổi dậy phá thế kìm kẹp, mở rộng vùng tranh chấp, vùng giáp ranh phía Bắc TX Tuy Hòa”. Sau chiến công oanh liệt này, Đại đội Đặc công 202 đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công giải phóng hạng ba.
Ông Nguyễn Minh Giác, Chủ tịch UBND xã An Phú nói: Di tích Địa điểm diễn ra trận đánh Núi Thơm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là nơi giáo dục truyền thống yêu nước, đấu tranh cách mạng cho các tầng lớp nhân dân, nhất là các LLVT và thế hệ trẻ hiện nay. Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã An Phú sẽ bảo tồn, giữ gìn, phát huy tốt giá trị văn hóa lịch sử của di tích này.
Bà Huỳnh Thị Kiều Diễm, Phó Chủ tịch UBND TP Tuy Hòa đề nghị Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân xã An Phú tiếp tục phát huy giá trị di tích, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham quan, học tập, tổ chức các hoạt động ôn lại truyền thống; kết nối với các di tích trên địa bàn thành phố thành tuyến tham quan về lại chiến trường xưa thật sự ý nghĩa. Đồng thời thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật Di sản văn hóa về bảo vệ và phát huy di tích; tăng cường tuyên truyền, giáo dục, huy động toàn dân chung tay bảo tồn và phát huy giá trị di tích này.
Nhân lên tình yêu đất nước
Phú Yên là vùng đất có bề dày truyền thống lịch sử, cách mạng gắn với nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước. Theo Sở VHTT&DL, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 2 di tích quốc gia đặc biệt, 21 di tích quốc gia và 96 di tích cấp tỉnh. Thời gian qua, các sở, ngành chức năng và cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đã tích cực chỉ đạo, tổ chức các hoạt động gìn giữ, quan tâm tôn tạo, tu bổ, bảo tồn và phát huy các di tích lịch sử cách mạng; tổ chức các hoạt động giáo dục về nguồn; tuyên truyền, giáo dục rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân nâng cao nhận thức, trách nhiệm bảo vệ di tích… Bước đầu việc khai thác, phát huy giá trị di tích lịch sử cách mạng trên địa bàn tỉnh đạt được nhiều kết quả tích cực.
Tháng 7, tháng của tri ân, tưởng nhớ công lao các anh hùng liệt sĩ. Nhiều bạn trẻ đã chọn đi tham quan, tìm hiểu những di tích lịch sử, các chiến công của thế hệ đi trước để vun bồi tình yêu quê hương, thêm trân trọng giá trị cuộc sống hòa bình hôm nay và sống có trách nhiệm hơn với bản thân, gia đình, đất nước.
Chị Trần Thị Như ở xã Hòa Thịnh (huyện Tây Hòa) chia sẻ: Đến với di tích lịch sử của quê hương như Khu di tích lịch sử cấp quốc gia Đồng khởi Hòa Thịnh, được lắng nghe câu chuyện về các chiến công và sự hy sinh của cha anh, tôi thật sự rất xúc động. Là thế hệ trẻ thừa hưởng thành quả hòa bình, tôi sẽ không ngừng nỗ lực học tập, lao động cống hiến để góp phần xây dựng quê hương mình ngày càng phát triển.
Còn anh Nguyễn Văn Hiếu ở xã Hòa Quang Bắc (huyện Phú Hòa) cho biết: Ngày hè, ngoài việc đưa các con đi du lịch, thì các di tích lịch sử trong và ngoài tỉnh như Nhà thờ Bác Hồ, Dinh Độc Lập, Địa đạo Củ Chi... cũng là một trong những điểm đến của gia đình tôi. Tôi muốn các con mình hiểu biết hơn về lịch sử hào hùng của bao thế hệ người Việt Nam, làm giàu thêm vốn kiến thức lịch sử của dân tộc, từ đó ra sức học tập tốt, sau này lớn lên trở thành những người có ích cho xã hội, chung tay xây dựng quê hương, nước nhà ngày càng phát triển.
Di tích lịch sử cách mạng là địa chỉ đỏ tuyên truyền giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc đối với các tầng lớp nhân dân. Đến với di tích lịch sử cách mạng là để mọi người vun bồi tình yêu quê hương, đất nước và tìm thấy chính mình. |
Theo Báo Phú Yên
https://www.baophuyen.vn/93/318268/bao-ton-va-phat-huy-gia-tri-di-tich-lich-su.html
Bạn đọc thấy nội dung hay hãy ấn tặng Xu, tác giả sẽ thêm động lực chia sẻ nhiều nội dung bài khác hay hơn nữa, cảm ơn bạn