Khi công nghệ 4.0 về với đồng ruộng
28/06/2023 | Tác giả: Ngọc Ánh Lượt xem: 229
Đưa công nghệ 4.0 vào sản xuất nông nghiệp đang được Hà Nội tích cực đẩy mạnh nhằm khắc phục tình trạng thiếu lao động, thay đổi nhận thức của nông dân trong ứng dụng khoa học cũng như nâng cao hiệu quả sản xuất.
Giảm chi phí, nâng hiệu quả sản xuất
Chia sẻ về hiệu quả ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất, Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất, kinh doanh nông nghiệp Đoàn Kết (huyện Ứng Hòa) Cao Thị Thủy cho biết, từ vụ Mùa 2022, hợp tác xã đã đầu tư 3 máy bay không người lái với số tiền 1,8 tỷ đồng để phục vụ sản xuất lúa. Mỗi máy bay 1 ngày có thể gieo sạ hoặc phun thuốc bảo vệ thực vật được hàng chục hécta lúa. Nếu như chi phí thuê nhân công cấy tốn 500.000 đồng/sào thì sử dụng máy bay chỉ hết 350.000 đồng/sào. Không những vậy còn giảm thiểu độc hại đối với con người mà việc phòng trừ sâu bệnh hại cũng đạt hiệu quả cao hơn.
Huyện Thạch Thất là một trong những địa phương tích cực triển khai mô hình gieo sạ, phun thuốc bảo vệ thực vật trên cây trồng bằng máy bay không người lái trong vụ Xuân 2023. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Nguyễn Kim Loan, với sự hỗ trợ của Sở NN&PTNT Hà Nội và Công ty CP NICOTEX Hà Nội, nông dân địa phương đã được giới thiệu và trải nghiệm thiết bị bay không người lái 3 trong 1 (gieo giống, bón phân và phun thuốc bảo vệ thực vật).
“Việc sử dụng máy bay không người lái góp phần giúp từng bước thay đổi nhận thức của người dân trong việc ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, từ đó nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng cây trồng” – ông Nguyễn Kim Loan cho hay.
Với hệ thống điều khiển từ xa, người vận hành máy bay không người lái chỉ cần đứng tại một địa hình tốt là có thể thực hiện được các thao tác vận hành thiết bị. Hệ thống radar có các chức năng tự động vượt qua chướng ngại vật và mô phỏng mặt đất để hoàn toàn bảo đảm trong quá trình vận hành. Đối với gieo sạ, mỗi giờ có thể rải được 3 - 4ha giống, với thuốc bảo vệ thực vật, mỗi ngày máy phun được từ 30 - 40ha. Ngoài ra, khi sạ bằng máy bay không người lái, độ bao phủ đều hơn, mật độ nảy mầm cũng hiệu quả hơn so với sạ tay.
Cần chính sách hỗ trợ kịp thời
Theo đánh giá của đông đảo nông dân, cán bộ hợp tác xã, lãnh đạo các địa phương, việc áp dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất rất tốt nhưng chi phí ban đầu cho đầu tư máy móc, công nghệ đòi hỏi nguồn vốn lớn nên rất cần TP có chính sách hỗ trợ kịp thời, trúng, đúng để mô hình sớm đi vào thực tiễn và lan tỏa.
Nhiều chuyên gia cho rằng, để áp dụng cơ giới hóa đồng bộ, ứng dụng công nghệ 4.0, các cánh đồng mẫu lớn cần được hình thành, không còn bờ vùng, bờ thửa. Theo đó, để phân định mốc giới giữa các hộ mà sản xuất, bờ thửa sẽ được số hóa bằng công nghệ, nông dân sẽ biết bờ thửa của mình trên điện thoại thông minh.
Vì vậy, ngành nông nghiệp Hà Nội và các địa phương cần đẩy mạnh tập huấn, hướng dẫn, tuyên truyền để người dân hiểu, đồng hành tham gia các mô hình trình diễn đạt hiệu quả cao nhất.
Hà Nội có diện tích đất nông nghiệp lớn, mỗi năm sản xuất 150.000ha lúa. Trong khi đó, lao động cho nông nghiệp ngày càng khó khăn do chuyển dịch lao động sang làng nghề, dịch vụ... dẫn tới diện tích đất nông nghiệp bỏ hoang ngày một gia tăng. Việc chuyên biệt hóa lao động trong nông nghiệp, hình thành các hợp tác xã, tổ hợp tác ứng dụng cơ giới đồng bộ, áp dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất là yêu cầu tất yếu của nông nghiệp Thủ đô.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Mạnh Phương thông tin, Hà Nội đang triển khai mạnh mẽ việc sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, VietGAP khi áp dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất, quản lý nhật ký đồng ruộng, thực hiện các yêu cầu về truy xuất nguồn gốc nông sản, xây dựng mã vùng trồng… rất thuận lợi. Từ thực tiễn sản xuất, tới đây, Sở NN&PTNT tiếp tục tham mưu UBND TP xây dựng các chương trình hỗ trợ nông dân đầu tư cơ giới hóa hiệu quả hơn.
Theo Kinhtedothi
https://kinhtedothi.vn/khi-cong-nghe-4-0-ve-voi-dong-ruong.html