Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo góp phần thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội trên địa bàn tỉnh
18/07/2024 | Tác giả: Đoàn Trọng Đức Lượt xem: 121
Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KHCN và ĐMST) là yếu tố quyết định tăng trưởng kinh tế trong dài hạn; là chìa khóa quan trọng để chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế (TTKT) từ chiều rộng sang chiều sâu. Sự phát triển mạnh mẽ của KHCN và ĐMST sẽ có tác động tích cực đến đổi mới mô hình TTKT, thể hiện qua việc góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực (lao động, vốn, tài nguyên thiên nhiên,…); thúc đẩy chuyển đổi mô hình TTKT theo hướng tăng dựa vào TFP (Total Factor Productivity
Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã nhận định khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn biến rất nhanh, đột phá, tác động sâu rộng và đa chiều trên phạm vi toàn cầu. Khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo ngày càng trở thành nhân tố quyết định đối với năng lực cạnh tranh của mỗi quốc gia; là động lực then chốt để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Trong những năm qua, tình hình phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) của tỉnh đạt được nững kết quả quan trọng. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2022 ước tính đạt 17.62,81 tỷ đồng, tăng 9,50% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: khu vực Nông, Lâm nghiệp và Thủy sản đạt 3.750,46 tỷ đồng, tăng 6,19%; khu vực Công nghiệp và Xây dựng đạt 4.930,26 tỷ đồng, tăng 14,88%; khu vực Dịch vụ đạt 7.466,86 tỷ đồng, tăng 8,03%. Có thể nói đây là mức tăng khá cao so với các năm gần đây, thể hiện đầy đủ và đúng xu hướng phát triển KTXH trên địa bàn tỉnh. Quy mô nền kinh tế tỉnh năm 2022 theo giá hiện hành ước tính đạt 30.412,7 tỷ đồng. Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch theo hướng tích cực. GRDP bình quân đầu người khoảng 52,44 triệu đồng (năm 2021 đạt khoảng 46,78 triệu đồng). Các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục có nhiều chuyển biến tiến bộ. Công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh đạt kết quả nhất định.
Giai đoạn 2016-2020, tốc độ tăng năng suất lao động bình quân chung của tỉnh đạt 6,03%. Vai trò của KHCN và ĐMSTđã có tác động nổi bật đóng góp trong tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Thể hiện tốc độ tăng TFP bình quân của tỉnh đạt 2,72%/năm và đóng góp lên tới 35,95% vào tăng GRDP. Tăng TFP đã có đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Khu vực nông lâm nghiệp, thủy sản có tốc độ tăng TFP bình quân 2,51%/năm, tăng giá trị gia tăng 6,42%/năm và tăng TFP đóng góp 39,09% vào tăng giá trị gia tăng. Khu vực công nghiệp - xây dựng có tốc độ tăng TFP 3,45%/năm, tốc độ tăng giá trị gia tăng bình quân 11,65%/năm, đóng góp của tăng TFP vào tăng giá trị gia tăng là 29,61%. Khu vực dịch vụ tăng TFP bình quân 1,28%/năm, tăng giá trị gia tăng 6,35%/năm và tỷ trọng đóng góp của tăng TFP vào tăng trưởng giá trị gia tăng là 20,12%. Tỷ lệ tăng giá trị gia tăng từ tiến bộ công nghệ đạt được bình quân 2,7%/năm, tiến bộ công nghệ đang có xu hướng tăng theo thời gian và đóng góp ngày càng cao hơn tới tăng năng suất. Kết quả này khẳng định tiến bộ công nghệ là yếu tố quan trọng trong thúc đẩy tăng năng suất.
Đóng góp vào thành công chung của tỉnh có vai trò quan trọng của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; góp phần tác động trực tiếp đến năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hoá và dịch vụ trên thị trường. Nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ gắn với phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ được thực hiện và phát huy hiệu quả, như: phát triển sâm Ngọc linh và dược liệu; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ; phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch; đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học; xác lập, bảo hộ và khai thác quyền sở hữu trí tuệ; khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; chuyển đổi số, v.v…. Đặc biệt, triển khai Chương trình, Kế hoạch của Tỉnh ủy, UBND tỉnh thực hiện Kết luận số 50-KL/TW của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XI) về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế; Kế hoạch phát triển khoa học và công nghệ của tỉnh giai đoạn 2021-2025, khoa học và công nghệ đã không ngừng đổi mới. Công tác quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ đã đi vào nền nếp, theo hướng ngày càng hiệu quả hơn. Công tác nghiên cứu gắn với chuyển giao ứng dụng, phục vụ phát triển sản xuất và đời sống. Việc tạo lập, quản lý và phát triển các đối tượng sở hữu công nghiệp đã được chủ trọng.Trên địa bàn tỉnh đã xác lập và bảo hộ Chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ và Chỉ dẫn địa lý “Đăk hà” cho sản phẩm cà phê; xác lập và bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận “sâm Ngọc Linh Kon Tum”, 09 loại dược liệu khác.
Có thể khẳng định KHCN và ĐMST đã có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển KTXH của tỉnh. Tuy nhiên, để KHCN và ĐMST trở thành động lực cho phát triển KTXH cũng còn gặp không ít khó khăn, thách thức, đó là: doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đa số là doanh nghiệp nhỏ, tiềm lực KH&CN, trình độ công nghệ còn hạn chế; trình độ sản xuất của đại bộ phận dân cư còn đơn giản, khả năng tiếp nhận, áp dụng các thành tựu KH&CN còn gặp nhiều khó khăn; hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong các doanh nghiệp chưa nhiều, chưa có sự gắn kết giữa doanh nghiệp với các nhà khoa học, các trường đại học, các trung tâm nghiên cứu; tiềm lực KH&CN trong các tổ chức KH&CN bước đầu đã được tăng cường, tuy nhiên chưa đáp ứng cho công tác nghiên cứu, tiếp nhận và chuyển giao KH&CN; khả năng đầu tư cho KH&CN của doanh nghiệp, người dân còn khó khăn; đội ngũ cán bộ KHCN và ĐMST thiếu về số lượng, yếu về chất lượng, cơ cấu chưa phù hợp; đầu tư cho hoạt động KHCN và ĐMST còn thấp; thiếu cơ chế, chính sách ưu đãi, kích thích sáng tạo đối với người làm công tác khoa học, vì thế chưa tạo ra động lực cho sáng tạo và ứng dụng KHCN. Thêm vào đó, nhận thức của các cấp, các ngành và các địa phương về vị trí, vai trò của KHCN và ĐMST chưa đầy đủ,... do đó việc triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách phát triển KH&CN trên địa bàn tỉnh nhất là lĩnh vực chuyển giao, đổi mới công nghệ, ươm tạo công nghệ trong các doanh nghiệp, phát triển thị trường KH&CN còn gặp nhiều khó khăn.
Từ những phân tích trên cho thấy, để phát huy vai trò của KHCN và ĐMST phục vụ phát triển kinh tế -xã hội của tỉnh trong thời gian tới cần quan tâm một số nhiệm vụ và giải pháp sau:
- Thứ nhất, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền về vị trí, vai trò và động lực của KHCN và ĐMST. Xác định KH&CN và ĐMST là nhiệm vụ trọng tâm của các cấp, các ngành; gắn các mục tiêu, nhiệm vụ KHCN và ĐMST với các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; tập trung xây dựng và thực hiện có hiệu quả chương trình, kế hoạch phát triển KHCN và ĐMST của tỉnh làm cơ sở nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, thúc đẩy tái cơ cấu kinh tế và đổi mới mô hình TTKT, thúc đẩy nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, ứng dụng kết hợp với phát triển công nghệ nhất là trong những ngành, lĩnh vực mới có tiềm năng, lợi thê.
- Thứ hai, phát triển KHCN và ĐMST theo hướng lấy doanh nghiệp làm trung tâm và các tổ chức nghiên cứu khoa học là chủ thể hỗ trợ chuyển giao, ứng dụng. Đầu tư hạ tầng kỹ thuật hỗ trợ doanh nghiệp chuyển giao, làm chủ, nâng cao năng lực và phát triển công nghệ. Đồng thời, thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp. Đẩy mạnh phát triển các doanh nghiệp KH&CN. Khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp thành lập tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; tổ chức thực hiện tốt Kế hoạch hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST tỉnh Kon Tum giai đoạn 2019 - 2025.
- Thứ ba, thực hiện tốt cơ chế chính sách huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư cho hoạt động KHCN và ĐMST; đẩy mạnh công tác xã hội hóa phát triển KH&CN; phát huy hiệu quả Quỹ phát triển KH&CN tỉnh; triển khai các biện pháp huy động nguồn vốn xã hội thông qua hệ thống quỹ phát triển KH&CN của địa phương, doanh nghiệp và các dự án hợp tác công - tư. Khuyến khích, thu hút khu vực tư nhân và doanh nghiệp đầu tư cho KH&CN.
- Thứ tư, tập trung nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu KH&CN phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn, sản phẩm chủ lực, có tiềm năng, lợi thế, giá trị gia tăng cao; các ngành nghề chế biến nông sản, dược liệu; thúc đẩy phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị; chuyển đổi số; xử lý môi trường; chăm sóc sức khỏe Nhân dân,.. theo hướng hiện đại, hiệu quả cao trên một số lĩnh vực.
- Thứ năm, phát triển nguồn nhân lực KHCN và ĐMST cả về số lượng và chất lượng. Xây dựng và thực hiện chính sách đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng, đãi ngộ, tôn vinh đội ngũ cán bộ KHCN có nhiều đóng góp. Tập trung đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật có trình độ cao. Khuyến khích các tổ chức KH&CN, cá nhân, doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo nhân lực chất lượng cao phục vụ quản lý, tổ chức sản xuất trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất.
- Thứ sáu, tiếp tục đổi mới hoạt động quản lý KHCN và ĐMST theo hướng thuận lợi nhất cho công tác nghiên cứu- triển khai; gắn nghiên cứu với chuyển giao ứng dụng; giải phóng tối đa tiềm năng sáng tạo; xác định nhiệm vụ KHCN, xuất phát từ thực tiễn và giải quyết được các yêu cầu bức thiết. Có cơ chế, chính sách để tạo ra sự đột phá trong ứng dụng KHCN và ĐMST ở khu vực doanh nghiệp, dịch vụ công.
Theo Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh KonTum
https://skhcn.kontum.gov.vn/tin-khcn-trong-tinh/Khoa-hoc,-cong-nghe-va-doi-moi-sang-tao-gop-phan-thuc-hien-nhiem-vu-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-tren--29241
Bạn đọc thấy nội dung hay hãy ấn tặng Xu, tác giả sẽ thêm động lực chia sẻ nhiều nội dung bài khác hay hơn nữa, cảm ơn bạn