Người nhạc sĩ hết mình vì nghệ thuật
10/07/2024 | Tác giả: Vân Lam Lượt xem: 131
Nhạc sĩ Khắc Hiển (ảnh), có bút danh là Quế Sơn, sinh ra và lớn lên tại vùng quê chiêm trũng, xã Trung Lương, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam - quê hương cụ Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến; hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Hà Nam. Mặc dù sinh ra trong gia đình không có truyền thống làm nghệ thuật, nhưng tình yêu âm nhạc dường như đã ngấm vào máu thịt của anh. Từ khi còn nhỏ, Khắc Hiển đã thích nghe các làn điệu dân ca, lớn lên trong lời ru của mẹ và những bài đồng
Rời ghế nhà trường, năm 1988, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, Nguyễn Khắc Hiển lên đường nhập ngũ với hành trang là chiếc ba lô và cây đàn guitar, để rồi những lúc hành quân, hay khi đi biểu diễn cho các đồng đội trong Sư đoàn 316 - Quân khu 2, tiếng đàn, tiếng hát trầm ấm của chàng lính trẻ ấy đã vang khắp những cánh rừng, đường đèo, làm vơi đi những mệt nhọc của ngày dài hành quân, luyện tập trên thao trường. Chính thời gian trong quân ngũ đã giúp Khắc Hiển trưởng thành hơn và có một trái tim đầy yêu thương, nhiệt huyết với khát vọng được cống hiến, được sống hết mình cho âm nhạc.
Sau khi xuất ngũ, năm 1991, với tình yêu âm nhạc cháy bỏng, được sự động viên ủng hộ của gia đình, bạn bè, Khắc Hiển đã thi đỗ và theo học tại Trường Trung học Văn hóa Nghệ thuật Hà Nam Ninh (nay là Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Nam Định). Năm 1994, sau khi tốt nghiệp, anh được nhận vào làm nhạc công tại Đoàn Cải lương Nam Hà. Từ đây, tình yêu và cái “duyên” đã gắn Khắc Hiển với nghệ thuật, từ chàng nhạc công với cây đàn organ, đàn guitar trên vai miệt mài cùng những ca khúc, những điệu chèo, làn điệu dân ca, những nốt nhạc bổng - trầm, góp phần giúp cho các ca sĩ, nghệ sĩ được tỏa sáng trên sân khấu.
Năm 1997 tái lập tỉnh, anh về công tác tại Đoàn Nghệ thuật Chèo Hà Nam, làm nhạc trưởng chỉ huy dàn nhạc. Năm 2001, anh tiếp tục theo học Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh, chuyên ngành Chỉ huy - Sáng tác dàn nhạc dân tộc, tốt nghiệp với tấm bằng loại giỏi. Năm 2011, anh được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Giám đốc, rồi Giám đốc Nhà hát Chèo Hà Nam. Cuối năm 2018 sáp nhập Nhà hát Chèo Hà Nam với Trung tâm Văn hóa tỉnh, anh được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh, Trưởng đoàn Nghệ thuật Chèo.
Không chỉ chỉ huy dàn nhạc, soạn nhạc cho các vở diễn, các trích đoạn, Khắc Hiển còn “thử sức” trong lĩnh vực sáng tác. Vừa sáng tác vừa phổ nhạc, các ca khúc của anh đa dạng về thể loại: Nhạc không lời, nhạc chèo, nhạc trữ tình, dân gian..., phong phú về chủ đề: ca khúc viết cho thanh, thiếu nhi (Đi qua tuổi mười lăm, Vào lăng viếng Bác...); những câu chuyện tình yêu nhẹ nhàng, ngọt ngào, trong sáng đầy khát khao (Mình em thôi, Bâng khuâng ngày nắng, Giấc mơ ngọt ngào, Em và biển...). Hay những kỷ niệm đầy tiếc nuối cho mối tình dang dở (Mưa nhớ, Tình thu, Thu phai, Tìm em...); có những ca khúc về tình yêu quê hương, đất nước tươi đẹp: Hà Nam quê mình, Hà Nam ngày mới, Hát về Bình Lục, Bình Lục xuân về, Ninh Bình quê anh, Nhớ Hà Giang...; đắm chìm trong sự tôn nghiêm, linh thiêng của tôn giáo: Ánh sáng cuộc đời con, Vầng Nguyệt muôn đời, Đầu xuân lễ Phật...; là lòng biết ơn đối với mẹ, với những người phụ nữ tảo tần một nắng hai sương (Ơn mẹ, Ca ngợi người phụ nữ Việt Nam, Tự hào nữ doanh nhân Hà Nam, Gửi em những chiến sĩ áo trắng...).
Bên cạnh đó, chủ đề về người lính cũng được Khắc Hiển chú trọng khai thác, với các ca khúc đầy chất lính, hoài niệm về quá khứ hào hùng của những chàng trai trẻ khoác trên mình màu áo xanh, như ca khúc: Về với đồng đội, Người yêu của lính, Ký ức Vị Xuyên... Mỗi tác phẩm của anh như một câu chuyện nhẹ nhàng, bức tranh trong trẻo, với ca từ mộc mạc, dung dị, sâu sắc, giai điệu ngọt ngào, sâu lắng, thiết tha... luôn hướng người nghe tới cái đẹp. Trong đó, có một số tác phẩm được yêu thích: Hà Nam quê mình, Anh về Tây Bắc cùng em, Mình em thôi, Tình thu, Hạ về...
Không chỉ sáng tác, Khắc Hiển còn trực tiếp biểu diễn ca khúc và được khán giả ủng hộ, đón nhận, như các ca khúc: Ánh sáng cuộc đời con, Về với đồng đội, Hát về Bình Lục... Đặc biệt, ca khúc Về với đồng đội do anh sáng tác và biểu diễn được các đồng đội của anh mang theo mỗi lần trên đường về thăm chiến trường Vị Xuyên năm xưa bên Đài hương 468, thôn Nậm Ngặt, xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang.
Mặc dù công việc khá bận rộn, nhưng Khắc Hiển vẫn dành tình yêu, đam mê sáng tác. Với Khắc Hiển, âm nhạc như một phần cuộc sống của mình, anh tâm sự: Năm 2023, là năm có nhiều biến cố đến với anh, anh phải nhập viện phẫu thuật cột sống, điều trị căn bệnh hẹp ống sống, chính âm nhạc đã giúp anh vượt qua những lúc tưởng như bế tắc và tuyệt vọng nhất. Những ngày nằm điều trị tại bệnh viện, với bước chân xiêu vẹo, đi không vững; trước lúc phẫu thuật đôi chân của anh gần như bất động phải di chuyển bằng xe lăn. Thời điểm đó, Khắc Hiển đã có lúc bi quan, nghĩ đến tình huống xấu nhất là cả đời ngồi trên xe lăn. Âm nhạc như một điều kỳ diệu đã giúp anh vượt qua những đau đớn về thể xác, phẫu thuật thành công và trở về với đời thường tiếp tục niềm đam mê bất tận. Trong thời gian nằm viện điều trị, hơn 10 ca khúc đã được anh phổ nhạc: Tango cho anh, Mưa nhớ, Nỗi nhớ, Lỡ Làng, Đợi, Hy vọng, Noel yêu thương... Và tôi ấn tượng nhất trong số tác phẩm ấy là bài hát “Hy vọng”. Trong đó có những câu hát mang đến cho người nghe nghị lực vượt qua mọi gian khó: “Ngày nắng, có lúc mưa giông/ vầng nguyệt kia khi tròn khi khuyết/ vầng thái dương có khi mây che phủ/ mưa qua rồi cầu vồng khoe sắc” ...
Trong sự nghiệp sáng tác của mình, Khắc Hiển khiêm tốn nói: “Anh đã có những thành công nhất định”. Anh viết nhạc cho các vở chèo, trực tiếp chỉ huy dàn nhạc và góp phần làm nên thành công cho các vở diễn, như: Huyền tích Thi Sơn, Bà Chúa Kho, Bến Phù Dung và các trích đoạn...! Chỉ huy dàn nhạc vở diễn “Khóc giữa trời xanh” tham gia Liên hoan Sân khấu Chèo chuyên nghiệp năm 2022 đạt Huy chương Vàng; chỉ đạo nghệ thuật và chỉ huy vở “Những vì sao không tắt” đạt Huy chương Đồng và cá nhân anh đạt giải Chỉ huy xuất sắc của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam.
Trong lĩnh vực sáng tác, anh đã sáng tác được hơn 100 ca khúc, với các giải thưởng được ghi nhận. Giải C Giải thưởng Các hiệp hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam (không có giải A) - ca khúc “Ơn Mẹ”; giải Nhất Giải thưởng Văn học nghệ thuật Nguyễn Khuyến lần thứ VIII (tác phẩm khí nhạc “Hội xuân”); giải B Liên hoan Âm nhạc toàn quốc lần thứ II tại Hà Giang (tác phẩm Anh về Tây Bắc cùng em); giải thưởng Âm nhạc năm 2023, giải Khuyến khích (ca khúc Tam Chúc bồng lai).
Gặp Nhạc sĩ Khắc Hiển trong buổi chiều mưa xuân tại làng Vị Hạ, nơi tỉnh Hà Nam tổ chức “Ngày thơ trên quê hương Tam nguyên Yên đổ Nguyễn Khuyến”, anh tâm sự: Tôi luôn tự hào là người con của quê hương cụ Nguyễn Khuyến. Trong sáng tác của mình, tôi luôn hướng tới cái đẹp, không ngừng tìm tòi, khai thác những chủ đề, nội dung mới, và rất vui là tôi mới phổ nhạc xong bài thơ “Ngày Xuân nhớ cụ Tam nguyên” của nhà thơ Hồng Hạnh. Đó là một trong những ca khúc thể hiện tình yêu, lòng kính trọng đối với bậc tiền nhân của quê hương đồng Chiêm.
Giữa thời khắc giao mùa được nghe âm thanh lảnh lót của tiếng đàn guitar hòa quyện giọng hát trầm ấm của nhạc sĩ Khắc Hiển, anh vừa đàn vừa hát ca khúc Cung - Bậc: “Lặng lẽ như những con tằm/ nhả từng sợi tơ vàng óng/ miệt mài như những con ong/ cho đời mật ngọt men say.../ cung đàn từ trái tim tôi/ âm vang cuộc sống muôn màu”. Đúng vậy, cuộc sống muôn màu, những nhạc sĩ nói chung và Nhạc sĩ Khắc Hiển nói riêng, họ là họa sĩ dệt ước mơ bằng những nốt nhạc trầm bổng đầy màu sắc và âm thanh, đưa cuộc sống muôn màu đến với người yêu nhạc, lay động trái tim công chúng, hướng tới cái chân - thiện – mỹ.
Theo báo Hà Nam
https://baohanam.com.vn/van-hoa/am-nhac/nguoi-nhac-si-het-minh-vi-nghe-thuat-122219.html
Bạn đọc thấy nội dung hay hãy ấn tặng Xu, tác giả sẽ thêm động lực chia sẻ nhiều nội dung bài khác hay hơn nữa, cảm ơn bạn