Thị Năm – Nghệ nhân dệt thổ cẩm trẻ nhất Đắk Nông

Thị Năm – Nghệ nhân dệt thổ cẩm trẻ nhất Đắk Nông

23/07/2024 | Tác giả: Nguyễn Hoài Nam Lượt xem: 183


Khi mới 22 tuổi, chị Thị Năm, bon Ol Bu Tung, xã Quảng Tín, huyện Đắk R’lấp được trao tặng danh hiệu “Nghệ nhân dệt thổ cẩm” - được xem là nghệ nhân trẻ nhất tỉnh Đắk Nông.

Thị Năm – Nghệ nhân dệt thổ cẩm trẻ nhất Đắk Nông

Đối với người M’nông ở bon Ol Bu Tung, dệt thổ cẩm không chỉ là nghề truyền thống mà còn là một phần của cuộc sống hàng ngày.

Để phát triển nghề dệt thổ cẩm theo hướng hàng hóa, nghệ nhân Thị Năm (đứng ở giữa) đã tìm tòi nghiên cứu, sáng tạo mẫu, làm ra các sản phẩm có hoa văn, màu sắc độc đáo, để có thể bán cho khách du lịch gần xa

Từ nhỏ, chị Thị Năm đã thấy các mẹ, các bà ngồi bên khung dệt, miệt mài chuốt từng sợi len để làm nên những tấm váy, chiếc khăn đẹp đẽ. Tình yêu với thổ cẩm của chị Thị Năm được nuôi dưỡng từ những năm tháng tuổi thơ như thế.

Khi lớn lên, chị Thị Năm được mẹ, bà dạy cho cách dệt vải. Cứ thế, niềm đam mê của Thị Năm dành cho từng đường thoi, mũi sợi được bồi đắp, lớn dần theo thời gian. Đến năm 18 tuổi, cô gái trẻ Thị Năm đã rất thành thạo dệt nên những tấm thổ cẩm tinh xảo.

Chị Thị Năm kể: “Từ nhỏ, tôi hay theo mẹ đi vào rừng tìm các nguyên liệu để làm thổ cẩm. Mỗi khi các bà, mẹ và các chị dệt vải, tôi lại đến bên cạnh để học cách dệt hoa văn khó. Đi rẫy về, cứ rảnh lúc nào là tôi lại ngồi vào khung cửi. Đối với người M’nông, dệt thổ cẩm cũng là thước đo khéo léo của người phụ nữ”.

Hơn 10 năm gắn bó với nghề, nghệ nhân trẻ Thị Năm (đứng thứ 3 từ trái qua) đã làm ra nhiều sản phẩm độc đáo được vinh danh trong nhiều cuộc thi

Yêu văn hóa truyền thống của dân tộc mình, chị Thị Năm luôn trăn trở làm cách nào để gìn giữ và phát huy được nghề. Từ đó, chị chịu khó tìm tòi, sáng tạo những nét hoa văn độc đáo của thổ cẩm dân tộc M’nông để biến tấu, thổi hồn vào những sản phẩm thời trang.

Chị Thị In, bon On Bu Tung, xã Quảng Tín chia sẻ: “Thị Năm dệt thổ cẩm đẹp lắm. Chị truyền nghề và khơi dậy niềm yêu thích các hoa văn thổ cẩm, nét đẹp truyền thống của dân tộc cho lớp trẻ như tôi. Có nghề dệt trong tay, tôi và chị em trong bon tự tin làm ra những sản phẩm thổ cẩm phục vụ người thân và để bán, có thêm thu nhập”.

Năng động và nhiệt huyết bởi tuổi trẻ, nghệ nhân Thị Năm luôn có mặt trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ và nhiều phong trào do địa phương phát động

Nỗ lực không mệt mỏi, năm 2018, chị Thị Năm được trao tặng danh hiệu “Nghệ nhân dệt thổ cẩm” khi mới 22 tuổi. Thời điểm đó, chị Thị Năm được xem là nghệ nhân trẻ nhất tỉnh Đắk Nông.

Năm 2019, tại Lễ hội văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần I, nghệ nhân trẻ Thị Năm đã vượt qua hàng trăm nghệ nhân "lão làng" giành được giải xuất sắc. Khi đó, nghệ nhân Thị Năm mới 23 tuổi. Giải thưởng này cùng với những kinh nghiệm học tập được từ lễ hội giúp chị Thị Năm có thêm động lực để trở về bon làng phát triển nghề truyền thống.

Hơn 10 năm gắn bó với nghề, nghệ nhân trẻ Thị Năm đã làm ra nhiều sản phẩm độc đáo. Chị đã được vinh danh trong nhiều cuộc thi và nhận được giấy chứng nhận danh hiệu nghệ nhân giỏi. Ngoài dệt thổ cẩm, nghệ nhân trẻ Thị Năm còn là hạt nhân tích cực của đội văn nghệ dân gian xã Quảng Tín, thường xuyên góp mặt, tham gia các hội thi, hội diễn, quảng bá nét đẹp văn hóa M’nông trong và ngoài tỉnh…

Thị Năm thường xuyên góp mặt trong đội, đoàn văn nghệ dân gian của huyện, tỉnh để tham gia các hội thi, hội diễn, quảng bá nét đẹp văn hóa M’nông trong và ngoài tỉnh…

Bà Thị H’Rêu, Bí thư Chi bộ, Trưởng bon Ol Bu Tung, xã Quảng Tín cho biết: “Thị Năm là một nghệ nhân trẻ rất tâm huyết với nghề dệt thổ cẩm, tham gia nhiệt tình các lễ hội, phong trào của xã, huyện. Là nghệ nhân trẻ, nhưng với tài năng của mình, Thị Năm nhiều lần được mời tham gia các lớp truyền dạy nghề dệt thổ cẩm cho thanh, thiếu niên. Thị Năm là niềm tự hào của phụ nữ M’nông trong bon”.

Theo Báo Đắk Nông

https://baodaknong.vn/thi-nam-nghe-nhan-det-tho-cam-tre-nhat-dak-nong-221546.html


Chia sẻ trên

23/07/2024 | Tác giả: TIỂU MAI

Lao động người dân tộc thiểu số ở xã Suối Cát: Được quan tâm đào tạo nghề

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, thời gian qua, công tác đào tạo nghề luôn được xã Suối Cát (huyện Cam Lâm) quan tâm.

23/07/2024 | Tác giả: Lê Thị Dung

Đắk Nông nghiên cứu nâng cao năng lực cho cán bộ dân tộc thiểu số

Ngày 28/12, Sở KH-CN tỉnh Đắk Nông tổ chức họp Hội đồng tư vấn, đánh giá nghiệm thu nhiệm vụ khoa học công nghệ “Nâng cao năng lực quản lý của cán bộ, công chức người dân tộc thiểu số chính quyền cấp huyện, xã của Đắk Nông đáp ứng tình hình mới”.

Tài khoản của quý khách chưa đủ điều kiện để thực hiện chức năng này

Để có thể tham gia đăng ký tài khoản mua - bán với siêu ứng dụng VIVINA. Quý khách cần đăng ký làm chủ gian hàng với đầy đủ thông tin xác thực và được chập thuận bởi BQT. Vui lòng nhấn vào đường dẫn dưới để biết thêm thông tin...