Thu 400 triệu USD từ đầu năm, mặt hàng đầy triển vọng này của Việt Nam được săn đón khắp châu Á: Sản lượng đứng thứ 8 thế giới, Trung Quốc liên tục gom hàng
25/06/2024 | Tác giả: Như Quỳnh Lượt xem: 225
"Mỏ vàng' này của Việt Nam đã thu hơn 400 triệu USD kể từ đầu năm.
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu của Việt Nam trong tháng 5 đạt 92,34 triệu USD, tăng 3,4% so với tháng 4/2024. Lũy kế trong 5 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu nhóm hàng thức ăn gia súc và nguyên liệu đạt trên 403,71 triệu USD, giảm 5,3% so với 5 tháng đầu năm 2023.
Hiện Trung Quốc tiếp tục là nhà nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam khi chiếm đến 40,2% trong tổng kim ngạch xuất khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu của cả nước. Trong 5 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu sang thị trường này đạt trên 162,25 triệu USD, giảm 15,6% so với 5 tháng đầu năm 2023.
Đứng thứ 2 là thị trường Mỹ với thị phần 12,6%, tăng mạnh 100% so với năm trước với kim ngạch đạt hơn 51 triệu USD. Campuchia là thị trường lớn thứ 3 với thị phần 11,8%, đạt hơn 47 triệu USD.
Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Đông Nam Á đạt gần 122,72 triệu USD, giảm 13% so với 5 tháng đầu năm 2023, chiếm 30,4% trong tổng kim ngạch xuất khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu của cả nước.
Đối với thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc, đây là quốc gia sản xuất thịt heo số 1 thế giới, đồng thời cũng là quốc gia sản xuất thức ăn chăn nuôi hàng đầu toàn cầu. Theo số liệu từ Cục Thống kê Trung Quốc, năm 2022, sản lượng thịt lợn của Trung Quốc đạt 55,41 triệu tấn, tăng 4,6% so với năm 2021, đây là mức cao nhất kể từ năm 2014, tuy nhiên trong thời gian gần đây, nguồn cung trong nước không ổn định nên quốc gia này liên lục phải nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu từ các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam.
Còn tại Việt Nam, dù có sản lượng thức ăn gia súc lớn tuy nhiên nguồn cung từ ngành trồng trọt trong nước mới chỉ đáp ứng được hơn 40% nhu cầu đối với các loại nguyên liệu cho sản xuất thức ăn chăn nuôi, dẫn đến việc phụ thuộc vào thị trường nông sản thế giới. Mỗi năm Việt Nam nhập khẩu trung bình 20 – 22 tấn nguyên liệu, trong đó ngô chiếm khoảng 50% và lúa mì chiếm khoảng 10% khối lượng các lô hàng trên. Năm 2022, sản lượng thức ăn chăn nuôi của Việt Nam trong năm 2022 đạt 26,72 triệu tấn, đứng thứ 8 thế giới.
Tiềm năng phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây, thị trường thức ăn chăn nuôi Việt Nam đang thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia, trong đó có nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tham gia mở rộng kinh doanh sản xuất. Những cái tên như vậy có thể kể đến như: Cargill Group (Mỹ), Haid (Trung Quốc), CP Group (Charoen Pokphand Group – Thái Lan), De Heus (Hà Lan), BRF (Brazil), Mavin (Pháp), Japfa ( Singapore), CJ (Hàn Quốc),…
Trước diễn biến tình hình giá nguyên liệu sẽ giảm nhiệt, gần một nửa số chuyên gia và doanh nghiệp trong ngành cho biết, họ lạc quan và kỳ vọng tăng trưởng của ngành thức ăn chăn nuôi trong năm 2024 là khả quan hơn so với năm 2023. Một trong những yếu tố chính thúc đẩy tăng trưởng của thị trường là nhu cầu ngày càng tăng đối với các sản phẩm thực phẩm có nguồn gốc động vật như thịt, sữa và trứng.
Theo Nhịp sống thị trường
https://markettimes.vn/thu-400-trieu-usd-tu-dau-nam-mat-hang-day-trien-vong-nay-cua-viet-nam-duoc-san-don-khap-chau-a-san-luong-dung-thu-8-the-gioi-trung-quoc-lien-tuc-gom-hang-58464.html
Bạn đọc thấy nội dung hay hãy ấn tặng Xu, tác giả sẽ thêm động lực chia sẻ nhiều nội dung bài khác hay hơn nữa, cảm ơn bạn