Xây dựng Móng Cái thành thành phố cửa khẩu mang tầm quốc tế
29/10/2023 | Tác giả: Lê Thu Lượt xem: 325
Có lợi thế lớn về vị trí địa lý, đồng thời nằm trong Khu kinh tế cửa khẩu có nhiều cơ chế chính sách ưu đãi, Móng Cái đang phát huy rất tốt các ưu thế này để trở thành thành phố cửa khẩu quốc tế năng động.
Cửa ngõ quan trọng
Móng Cái là thành phố cửa khẩu quốc tế duy nhất trong cả nước có đường biên giới cả trên bộ, trên biển với Trung Quốc. Những năm qua, thương mại biên giới luôn là điểm sáng trong quan hệ hợp tác giữa TP. Móng Cái (Quảng Ninh, Việt Nam) với TP. Đông Hưng (Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc). Năm 2021, dù ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19, kim ngạch xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Móng Cái vẫn đạt trên 4 tỷ USD, tăng 46%. Năm 2022, tổng lượng hàng hóa xuất nhập khẩu đạt 1 triệu tấn, kim ngạch xuất nhập khẩu gần 3,3 tỷ USD, thu ngân sách nhà nước gần 1.650 tỷ đồng, cao nhất từ trước tới nay. Trong năm 2023, mục tiêu thu ngân sách qua nguồn xuất nhập khẩu của Móng Cái là 1.800 tỷ đồng.
Toàn bộ diện tích của Thành phố nằm trọn vẹn và chiếm phần lớn diện tích Khu kinh tế (KKT) cửa khẩu Móng Cái. Đây cũng là khu vực được Thủ tướng Chính phủ xác định là khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm quốc gia, trung tâm phát triển kinh tế quan trọng của vùng Bắc bộ, của vành đai kinh tế ven biển Bắc bộ và Hành lang kinh tế Côn Minh (Trung Quốc) - Hà Nội - Hải Phòng - Móng Cái - Phòng Thành (Trung Quốc); là khu vực có vị trí đặc biệt quan trọng về chiến lược, quan trọng về quốc phòng, an ninh.
Ông Hoàng Bá Nam, Bí thư Thành ủy Móng Cái nhấn mạnh: “Với vị chí chiến lược như vậy, tuyến biên giới cửa khẩu khu vực Móng Cái đã được Trung ương xác định xây dựng thành tuyến biên giới cửa khẩu kiểu mẫu trong hệ thống cửa khẩu quốc gia”.
Để phát huy giá trị cửa khẩu quốc tế với Trung Quốc, theo ông Nam, điều quan trọng nhất là quan hệ Hợp tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Trung Quốc. Điều này đã được Thành ủy, chính quyền TP. Móng Cái kế thừa và phát triển qua từng năm. Cụ thể hoá chủ trương “xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, phát triển” của 2 Đảng, 2 nhà nước, Quảng Ninh - Quảng Tây, Móng Cái - Đông Hưng, Phòng Thành liên tục có các hoạt động thiết lập cơ chế giao lưu hữu nghị, hỗ trợ lẫn nhau…
Mới đây nhất, ngày 30/6/2023, tại TP. Đông Hưng (Trung Quốc), Thành ủy Móng Cái và Thành ủy Đông Hưng đã ký kết Bản thỏa thuận về thiết lập cơ chế giao lưu hữu nghị. Theo đó, hai bên xác định thúc đẩy hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu, logistics để phát huy lợi thế Cảng biển tổng hợp Vạn Ninh - cửa ngõ giữa Trung Quốc và ASEAN, các nước Đông Bắc Á. Hai bên cũng đã thống nhất phối hợp, chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng cơ chế, chính sách, mô hình vận hành Khu hợp tác kinh tế qua biên giới Móng Cái - Đông Hưng.
Các chính sách đặc thù cho thành phố cửa khẩu này đã được Trung ương ban hành từ rất sớm và phát triển qua từng giai đoạn. Theo sách “Quảng Ninh 30 năm đổi mới cùng đất nước”, ngày 18/9/1996, Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt đã ký ban hành Quyết định số 675/TTg cho phép Quảng Ninh được áp dụng một số chính sách đặc thù thí điểm ở khu vực cửa khẩu Móng Cái. Đây là bước đột phá của Quảng Ninh ở tầm cả nước.
Chỉ trong 5 năm đầu tiên (1996-2000), mỗi năm, Nhà nước đầu tư cho Móng Cái không dưới 50% tổng thu ngân sách trên địa bàn cửa khẩu Móng Cái (khi đó, tổng thu ngân sách trên địa bàn Móng Cái đạt trên 200 tỷ đồng). Điều này cho thấy tầm quan trọng của TP. Móng Cái trong chiến lược phát triển không chỉ của Quảng Ninh, mà còn của quốc gia.
Đã có “đường băng” hạ tầng
Từ năm 1996 đến nay, TP. Móng Cái được đầu tư hàng loạt dự án hạ tầng giao thông, đô thị, cửa khẩu. Đặc biệt, trong thời gian gần đây, nhiều dự án hạ tầng giao thông có tính kết nối liên vùng đã được hoàn thành. Trong đó, quan trọng nhất là tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái dài hơn 80 km, có điểm đầu nằm gần Sân bay quốc tế Vân Đồn và điểm cuối đấu nối với đường dẫn cầu Bắc Luân 2.
Ngày 1/9/2022 là cột mốc quan trọng đối với TP. Móng Cái, khi tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái chính thức đưa vào hoạt động, tạo thành trục cao tốc chạy dọc tỉnh dài 176 km, kết nối với 2 loại hình giao thông quan trọng là Cảng biển Quốc tế Lạch Huyện và Cảng hàng không Quốc tế Vân Đồn. Không những thế, trục cao tốc của Quảng Ninh còn kết nối với 3 cửa khẩu quốc tế quan trọng nhất khu vực miền Bắc, gồm Lào Cai, Hữu Nghị và Móng Cái.
Ông Hồ Quang Huy, Chủ tịch UBND TP. Móng Cái cho biết, thực hiện Quyết định số 368/QĐ-TTg phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng KKT cửa khẩu Móng Cái đến năm 2040, khu vực này sẽ được đầu tư mới đoạn tuyến Quốc lộ 18 tránh trung tâm huyện Hải Hà, tuyến đường bao biển kết nối các đô thị ven biển từ Hải Hà đến Móng Cái. Ngoài ra, xây dựng tuyến đường tuần tra biên giới từ Hải Hòa đến mũi Sa Vĩ. Thực hiện nâng cấp cải tạo cửa khẩu Bắc Luân 1, xây dựng mới cửa khẩu Bắc Luân 3 và cửa khẩu khu vực Hải Yên.
Về hệ thống đường sắt, trong quy hoạch cũng đã xác định xây dựng tuyến đường sắt quốc gia Hạ Long - Móng Cái, kết nối với tuyến đường sắt Đông Hưng (Trung Quốc).
Về đường thủy, Dự án Cảng biển quốc tế tổng hợp Vạn Ninh giai đoạn I (gần 83 ha, tổng mức đầu tư gần 2.250 tỷ đồng, do Công ty cổ phần Cảng quốc tế Vạn Ninh làm chủ đầu tư) đang được xây dựng. Đây là bến cảng đóng vai trò đầu mối xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc qua cửa khẩu Móng Cái, có thể đón được các tàu có trọng tải đến 20.000 DWT. Để phát huy giá trị của dự án này, Móng Cái đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng đường kết nối từ đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái đến cảng Vạn Gia (Vạn Ninh). Công trình đã hoàn thành gần 80% khối lượng.
Bên cạnh đó, nhằm tăng tính kết nối giữa các KKT của Quảng Ninh, nhiều dự án hạ tầng giao thông giữa các KKT cửa khẩu đã và đang được đầu tư xây dựng. Trong đó, công trình cải tạo, nâng cấp Đường tỉnh 341 (Quốc lộ 18C) nối KKT cửa khẩu Móng Cái và KKT cửa khẩu Bắc Phong Sinh đã khánh thành ngày 1/9/2023.
Trong khi đó, Dự án Đường ven biển liên kết KKT Vân Đồn với KKT cửa khẩu Móng Cái, đoạn từ Cầu Voi đến Tỉnh lộ 335, TP. Móng Cái (Giai đoạn I), với tổng mức đầu tư hơn 352 tỷ đồng bằng nguồn vốn ngân sách, cơ bản đã thi công xong.
Các dự án trên là những “mảnh ghép” quan trọng để hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông, tạo “đường băng” cho sự phát triển của TP. Móng Cái nói riêng và KKT cửa khẩu Móng Cái nói chung.
Sẵn sàng cất cánh
Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định nhiệm vụ xây dựng cơ chế, chính sách thí điểm triển khai khu hợp tác kinh tế qua biên giới Việt Nam - Trung Quốc tại Quảng Ninh. Điều này cũng đã được đặt ra tại Quy hoạch chung xây dựng KKT cửa khẩu Móng Cái đến năm 2040.
Ông Huy cho biết: “Thực hiện quy hoạch, Móng Cái đã dành quỹ đất 1.300 ha, giáp với TP. Đông Hưng và nằm giữa cửa khẩu Bắc Luân II với đường dẫn và cầu Bắc Luân III. Khu vực này kết nối thẳng với tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái và rất thuận lợi trong việc kết nối giao thương, phát huy lợi thế vị trí địa lý để mở rộng hoạt động hợp tác, thu hút đầu tư, thương mại, chế biến - chế tạo, công nghệ cao, giao lưu hợp tác với các doanh nghiệp, đối tác của phía Đông Hưng”.
Đánh giá về triển vọng về khu hợp tác kinh tế qua biên giới, ông Lương Xuân Đào, Phó giám đốc Công ty cổ phần Thành Đạt, đơn vị quản lý Cảng cạn ICD Thành Đạt tại Lối mở Km3+4 Hải Yên cho rằng, đây là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư. “Chúng tôi định hướng mở rộng thêm khu bến bãi ICD theo đề án của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thành lập Trung tâm Giao dịch hàng hóa nông - lâm - thủy sản quốc tế tại đây, gồm khu vực bao gói, kho bảo quản, bến bãi, khu dịch vụ… Các yếu tố cộng hưởng này sẽ giúp logistics phát triển”, ông Đào chia sẻ.
Còn ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch HĐQT Công ty Tân Đại Dương cho biết, Công ty đang đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hàng loạt dự án hạ tầng phục vụ thương mại biên giới, như Trạm Kiểm soát liên ngành cầu Bắc Luân ll gắn với khu dịch vụ thương mại. Được biết, dự án này được thực hiện nhằm đón bắt cơ hội bởi Khu hợp tác kinh tế qua biên giới Móng Cái - Đông Hưng đang được tỉnh Quảng Ninh đề xuất thành lập.
Công ty cổ phần Cảng quốc tế Vạn Ninh cũng đang lên kế hoạch đầu tư các giai đoạn tiếp theo của toàn dự án với quy mô tới 400 ha.
Có thể thấy, với quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai bên ngày càng được thắt chặt, cùng nhiều dự án hạ tầng quan trọng đang được triển khai, cơ hội phát triển cho TP. Móng Cái và các nhà đầu tư là rất lớn.
Theo báo Đầu tư
https://baodautu.vn/xay-dung-mong-cai-thanh-thanh-pho-cua-khau-mang-tam-quoc-te-d201721.html