Hiệu quả nguồn vốn cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn ở Thanh Liêm
10/07/2024 | Tác giả: Phùng Thống Lượt xem: 157
Công tác đầu tư vốn trên địa bàn huyện Thanh Liêm những năm qua được các tổ chức tín dụng, ngân hàng đơn giản hóa thủ tục cho vay, cải tiến quy trình để giải ngân cho khách hàng nhằm đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, nông thôn. Từ các nguồn vốn cho vay đã tạo thêm nhiều việc làm mới, tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống cho các hộ nông dân, góp phần xây dựng nông thôn mới nâng cao tại mỗi địa phương.
Thực hiện Chỉ thị số 40- CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, những năm qua, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện thường xuyên phối hợp với UBND các xã, thị trấn rà soát danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo để nắm bắt nhu cầu vay vốn nhằm đáp ứng kịp thời vốn cho các đối tượng thụ hưởng.
Đặc biệt, Phòng giao dịch NHCSXH huyện tổ chức và duy trì tốt lịch giao dịch cố định tại 16 điểm giao dịch xã, thị trấn; thực hiện giao dịch vào ngày cố định trong tháng đúng ngày giờ đã thông báo. Sau các buổi giao dịch ngân hàng tổ chức giao ban với Ban giảm nghèo, tổ chức chính trị - xã hội, tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn nhằm trao đổi, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đồng thời tuyên truyền phổ biến những chính sách mới và nội dung cần phối hợp triển khai tháng kế tiếp.
Bên cạnh các nguồn vốn của Trung ương, để tăng thêm nguồn vốn cho vay, thời gian qua, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Thanh Liêm đẩy mạnh công tác huy động vốn phục vụ cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn. Trong 3 tháng đầu năm nay, nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương (UBND huyện) đạt hơn 6,3 tỷ đồng, tăng so với đầu năm 1,2 tỷ đồng; vốn được Trung ương cấp bù lãi suất 82,7 tỷ đồng, tăng so với đầu năm trên 5 tỷ đồng; nguồn vốn huy động qua tổ chức, cá nhân là 63,7 tỷ đồng, tăng 2,7 tỷ đồng so với đầu năm; huy động tiền gửi tiết kiệm qua tổ tiết kiệm và vay vốn gần 19 tỷ đồng, tăng hơn 2,3 tỷ đồng so với đầu năm. Đến ngày 31/03/2024 tổng dư nợ đạt 561 tỷ 477 triệu đồng, tăng 21,5 tỷ đồng. Doanh số cho vay đạt 63,5 tỷ đồng, với 1.362 lượt khách hàng được vay vốn.
Cùng với nguồn vốn tín dụng chính sách, thực hiện Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn nhằm đưa nguồn vốn đến với nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã, thời gian qua, Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thanh Liêm (Agribank) áp dụng nhiều nguồn vốn hỗ trợ chương trình tín dụng đối với hoạt động sản xuất nông nghiệp, nông thôn.
Theo đó, khách hàng (bao gồm cả hộ gia đình, hộ kinh doanh, chủ trang trại, doanh nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã) tham gia vào hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp theo mô hình liên kết được vay vốn với nhiều cơ chế ưu đãi hơn so với các khoản vay thông thường. Từ nguồn vốn vay góp phần hỗ trợ giải quyết thêm một phần khó khăn về vốn cho sản xuất nông nghiệp theo mô hình liên kết, cải thiện năng lực trồng trọt, chăn nuôi, khai thác, chế biến sản phẩm nông nghiệp. Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng chuỗi giá trị trong nông nghiệp từ sản xuất đến tiêu thụ, gắn kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã để sản phẩm nông nghiệp phát triển ổn định và bền vững.
Tính đến hết tháng 3/2024, tổng dư nợ của chi nhánh đạt hơn 2.320 tỷ đồng, tăng 32 tỷ so với đầu năm và tăng hơn 100 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó cho vay nông nghiệp, nông thôn chiếm trên 85%.
Ông Lương Đức Cường, Giám đốc Chi nhánh Agribank Thanh Liêm cho biết: Thời gian tới, chi nhánh sẽ tập trung triển khai cho vay phục vụ phát triển các sản phẩm nông nghiệp tiềm năng, các ngành hàng chủ lực và mở rộng cho vay các ngành, lĩnh vực hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương. Mặt khác phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể tìm hiểu những mô hình sản xuất hiệu quả chưa tiếp cận được vốn vay ngân hàng để chủ động cung ứng nguồn vốn. Cùng với đó, tuân thủ nghiêm quy trình cấp tín dụng; tăng cường các biện pháp quản lý chất lượng tín dụng từ khâu thiết lập hồ sơ, thẩm định cho vay và quản lý vốn vay.
Có thể nói, nguồn vốn cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn từ các tổ chức tín dụng trên địa bàn huyện Thanh Liêm thời gian qua là nguồn lực quan trọng hỗ trợ người dân thoát nghèo và xây dựng nông thôn mới nâng cao ở mỗi địa phương. Vì vậy, để thúc đẩy hơn nữa tín dụng phục vụ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, các ngân hàng, tổ chức tín dụng cần tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương, các hội đoàn thể trong bình xét, thẩm định, đôn đốc thu nợ. Đồng thời, đơn giản hóa thủ tục vay vốn, tăng cường kiểm tra, giám sát đối với các khoản cho vay bảo đảm đúng mục đích, an toàn và hiệu quả.
Theo báo Hà Nam
https://baohanam.com.vn/kinh-te/tai-chinh-ngan-hang/hieu-qua-nguon-von-cho-vay-phat-trien-nong-nghiep-nong-thon-o-thanh-liem-122555.html
Bạn đọc thấy nội dung hay hãy ấn tặng Xu, tác giả sẽ thêm động lực chia sẻ nhiều nội dung bài khác hay hơn nữa, cảm ơn bạn