Người giữ nghề đan lát ở làng Đăk Gô
18/07/2024 | Tác giả: Thu Hiền Lượt xem: 130
Khi đôi chân không còn leo núi nhanh nhẹn như xưa, ông A Veng (76 tuổi, ở làng Đăk Gô, xã Đăk Kroong, huyện Đăk Glei) dành nhiều thời gian để bầu bạn với sợi nan, sợi lạt. Đan lát giúp ông thỏa niềm đam mê và đó cũng là cách để ông giữ gìn nghề truyền thống của dân tộc mình.
Mắt không còn sáng như trước, nhưng chỉ cần sờ qua sợi nan là ông A Veng có thể cảm nhận được độ mỏng, dày, có đạt để đan gùi hay không. Sự tinh tế ấy có được là bởi ông A Veng đã gắn bó cả đời với sợi nan, cây tre, cây nứa; đồng thời, luôn học hỏi, tìm tòi, sáng tạo ra những điểm nhấn trên từng chiếc gùi.
Ông A Veng đến với nghề đan lát từ rất sớm, khi mới 12 tuổi. Theo lời ông kể, từ nhỏ, ông thường xuyên thấy cha mình đan gùi, nên ông cảm thấy rất thích thú. Từ đó, ông để ý rồi bắt chước từng chút một, chỗ nào không biết ông lại hỏi và được cha tận tình chỉ dạy. Nhờ chăm chỉ học hỏi, rèn luyện, nên khi trở thành thanh niên, ông A Veng đã rất thành thạo trong việc đan gùi.
Theo ông A Veng, để làm ra những chiếc gùi bền và đẹp, việc chọn và xử lý nguyên liệu rất quan trọng. Cần chọn những cây tre, nứa có vẻ bề ngoài sần sùi, màu sắc không bắt mắt. Bởi những cây này qua thời gian sinh trưởng, chịu nắng, chịu mưa nên có độ cứng, dẻo dai, chống được mối mọt. Còn những cây tre, nứa có màu xanh mướt, vươn thẳng lên trời thì đa số là những cây non. Nếu dùng những cây này để đan thì chiếc gùi sẽ rất nhanh hỏng, không chống chọi được với sự khắc nghiệt của thời tiết. Tre, nứa khi lấy từ rừng về cần được gác vào bên trong mái nhà hoặc gian bếp cho khô một cách tự nhiên. Trước khi đem đi chẻ lạt, vót nan, tre nứa cần được ngâm trong nước từ 2-3 ngày.
“Nan phải được vót không quá dày cũng không quá mỏng. Khi vót nan, tay người thợ phải mềm mại, uyển chuyển thì mới cho ra những sợi nan đẹp, mỏng, đủ dẻo dai để luồn lách khi đan. Có như vậy chiếc gùi trông mới đẹp, sắc sảo, được khách hàng ưa chuộng” - ông A Veng nói.
Một nét đặc trưng trong đan gùi của người Gié Triêng ở làng Đăk Gô là nhuộm màu để tạo hoa văn. Thường họa tiết chiếc gùi sẽ được trang trí ở phần miệng và thân của gùi để tạo điểm nhấn, thu hút người nhìn. Để tạo màu, ông A Veng thường lấy than bôi lên những chiếc nan. Với những họa tiết màu sắc thì dùng các loại rễ, củ, vỏ cây rừng để nhuộm màu.
Trung bình, 2 ngày ông A Veng mới đan được một chiếc gùi. Mỗi chiếc có giá từ 200.000 - 500.000 đồng, tuỳ kích cỡ. Mỗi tháng, ông A Veng làm được khoảng 10 chiếc, số tiền có được ông dùng để chi tiêu cho sinh hoạt tuổi già.
Theo ông A Veng, làng Đăk Gô bây giờ còn rất ít người biết và duy trì đan lát. Để hoàn thành một sản phẩm đan lát cần rất nhiều thời gian và công sức, vì vậy, giới trẻ cũng không mấy mặn mà với nghề vì thu nhập không cao. Nhiều người trẻ học xong nhưng không áp dụng nên dần dần cũng quên nghề.
Để giữ lấy cái nghề giản dị mà bản thân đã dành cả cuộc đời để gắn bó, ông A Veng thường tuyên truyền cho bà con về ý nghĩa của việc giữ gìn và phát huy nghề đan lát truyền thống. Những lúc rảnh rỗi, ông thường gọi những người trẻ trong làng đến nhà để nói chuyện và chỉ dạy những kỹ thuật cơ bản của nghề đan lát.
Ông A Thôn- Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Kroong cho biết: Ở làng Đăk Gô, ông A Veng là một trong những người tích cực giữ gìn và phát huy nghề đan lát truyền thống. Những sản phẩm ông làm ra rất sắc sảo, bắt mắt nên được nhiều người yêu thích, tìm mua. Thời gian tới, địa phương sẽ tích cực vận động, tuyên truyền những người biết đan lát tiếp tục phát huy, truyền dạy cho thế hệ trẻ. Đồng thời, khuyến khích những người trẻ chủ động học hỏi ông bà, cha mẹ các kỹ thuật đan lát để nghề này được giữ gìn và bảo tồn.
Theo Báo KonTum
https://www.baokontum.com.vn/van-hoa-the-thao-du-lich/nguoi-giu-nghe-dan-lat-o-lang-dak-go-41761.html
Bạn đọc thấy nội dung hay hãy ấn tặng Xu, tác giả sẽ thêm động lực chia sẻ nhiều nội dung bài khác hay hơn nữa, cảm ơn bạn