Ứng dụng khoa học công nghệ trong chế biến nông sản
15/07/2024 | Tác giả: Nguyễn Hường Lượt xem: 172
Xác định khoa học công nghệ (KHCN) là khâu đột phá góp phần chuyển đổi sản xuất theo hướng nâng cao giá trị, chất lượng, sức cạnh tranh cho nông sản, tỉnh luôn quan tâm đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KHCN vào sản xuất, đặc biệt là trong chế biến nông sản. Đến nay, một số nông sản, thực phẩm sau chế biến của tỉnh đã khẳng định được thương hiệu, chiếm vị thế trên thị trường, góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hiệu quả, bền vững.
Trải qua 22 năm xây dựng và phát triển, Công ty cổ phần Ong Tam Đảo (Honeco), thị trấn Đạo Đức (Bình Xuyên) đang là 1 trong 5 doanh nghiệp doanh nghiệp nhỏ và vừa của tỉnh được cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và chế biến thực phẩm với 35 quy trình công nghệ và dòng sản phẩm ngành ong được ghi nhận là sản phẩm KHCN.
Phát biểu tại Hội thảo khoa học “Xây dựng hệ thống đổi mới sáng tạo về văn hóa và công nghệ trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc”, bà Lê Thị Nga, Tổng Giám đốc Công ty Honeco khẳng định: “Đổi mới sáng tạo luôn là yếu tố then chốt, là chìa khóa thành công của doanh nghiệp để sản xuất các sản phẩm mới chất lượng hiệu quả, là điểm khác biệt về giá trị giúp nâng tầm thương hiệu mật ong”.
Những năm qua, Honeco đã không ngừng ứng dụng KHCN tạo ra các sản phẩm mới chất lượng từ nguồn mật ong tự nhiên truyền thống. Mới đây nhất, Honeco đã hoàn thành nghiên cứu, cho ra mắt dòng sản phẩm mật ong lên men bổ sung lợi khuẩn tốt cho đường tiêu hóa và đường mật ong với thành phần 100% mật ong tự nhiên được biến thành dạng bột đường, tiện dùng và thơm ngon.
Thành công trong ứng dụng KHCN vào chế biến mật ong, hiện Honeco đã có 16 sản phẩm được chế biến từ mật ong với thảo được, trái cây chất lượng đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh. Không chỉ tìm được chỗ đứng tại thị trường trong nước, các sản phẩm mật ông của công ty cũng đã được xuất khẩu sang nhiều nước như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc….
Có thể nói, việc ứng dụng KHCN có vai trò hết sức quan trọng, không chỉ góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế trong chế biến nông sản, tạo nên thương hiệu sản phẩm, mà còn được xem là khâu cốt yếu, giải quyết bài toán “khủng hoảng thừa”, “được mùa mất giá” trong sản xuất nông nghiệp hiện nay.
Do đó, ngoài sự chủ động của các doanh nghiệp như Honeco, những năm gần đây, Sở Khoa học và Công nghệ đã bám sát tình hình thực tiễn, tham mưu UBND tỉnh lựa chọn, đặt hàng, phê duyệt thực hiện nhiều đề tài thuộc lĩnh vực bảo quản chế biến nông sản, giải quyết các vấn đề thực tiễn xuất phát từ thực tế của địa phương.
Đơn cử như các đề tài: “Nghiên cứu xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ sinh học để nâng cao giá trị cho sản phẩm sữa tươi trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc”; “Nghiên cứu ứng dụng hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất một số sản phẩm thịt gà chế biến trên quy mô nhỏ gắn với chương trình mỗi xã một sản phẩm tại xã Hướng Đạo, huyện Tam Dương”…
Ngoài ra, tỉnh cũng ban hành các cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo hướng thông thoáng dễ tiếp cận.
Tuy nhiên, ngành chế biến nông sản của tỉnh hiện chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Lĩnh vực chế biến nông sản vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn như hạn chế về trình độ chuyên môn, công nghệ, ứng dụng tự động hóa vào sản xuất…
Trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 1300 cơ sở chế biến nông sản thực phẩm, trong đó, mới có 25 doanh nghiệp sơ chế, chế biến nông sản thực phẩm, còn lại là các cơ sở chế biến quy mô nhỏ lẻ.
Tại Kế hoạch thực hiện quyết định số 858 của Thủ tướng Chính Phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông lâm thủy sản đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, UBND tỉnh đã đặt ra mục tiêu “Phát triển chế biến nông sản hiện đại, hiệu quả và bền vững, đáp ứng được nhu cầu của thị trường, nâng cao giá trị sản phẩm nông sản của tỉnh”.
Phấn đấu tốc độ gia tăng giá trị công nghiệp chế biến nông sản đạt trên 8,0%/năm vào năm 2025 và 10%/năm vào năm 2030. Đến năm 2030, có một số doanh nghiệp chế biến nông sản hiện đại hoạt động, có tiềm lực kinh tế gắn với phát triển các vùng sản xuất nguyên liệu tập trung áp dụng cơ giới hoá và kết nối tiêu thụ sản phẩm; hơn 70% số cơ sở chế biến nông sản quy mô doanh nghiệp đạt trình độ và năng lực công nghệ trung bình tiên tiến trở lên; tổn thất sau thu hoạch nông sản chủ lực giảm từ 0,5% đến 1,0%/năm.
Với mục tiêu đó, Sở Khoa học và Công nghệ đang tập trung phát triển thị trường KHCN, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực cơ giới hoá nông nghiệp và chế biến nông sản.
Ưu tiên đầu tư cho các chương trình, dự án KHCN liên quan đến hoạt động sản xuất, chế biến sản phẩm nông sản.
Đồng thời tích cực hỗ trợ doanh nghiệp đăng ký bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ; thúc đẩy xây dựng và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm nông sản chủ lực, đặc sản của tỉnh; hỗ trợ đăng ký mã số mã vạch, công bố chất lượng sản phẩm và áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hoá.
Theo Vĩnh Phúc
https://baovinhphuc.com.vn/tin-tuc/Id/111467/Ung-dung-khoa-hoc-cong-nghe-trong-che-bien-nong-san
Bạn đọc thấy nội dung hay hãy ấn tặng Xu, tác giả sẽ thêm động lực chia sẻ nhiều nội dung bài khác hay hơn nữa, cảm ơn bạn